Từ ChatGPT bàn chuyện con người phải tìm cách chung sống với AI

Chỉ hai tháng sau khi ra mắt thị trường, ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng. Con số khủng này cũng phần nào cho thấy sức hút kinh hồn từ “đứa con” thai nghén nhiều năm của OpenAI.

Sự ra đời của ChatGPT được ví như bước đột phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tổng quát, nơi các phần mềm tạo ra nội dung như văn bản hoặc hình ảnh dựa trên mô tả. Với khả năng của mình, chatbot siêu trí tuệ nhân tạo (AI) này đã nhanh chóng tác động đa dạng, đa chiều tới cuộc sống xã hội, tốt có, xấu có tùy theo mục đích của người dùng. Thậm chí nó còn làm phát sinh yêu cầu về những chuẩn mực mới, luật lệ mới cho việc ứng dụng và chung sống với các ứng dụng AI.

Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích thiết thực mang lại, các chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo ChatGPT và các công cụ AI tương tự chỉ nên là công cụ trợ giúp mang tính chất tham khảo. Tốt hơn hết người dùng vẫn phải đảm nhiệm vai trò người kiểm chứng những thông tin, sản phẩm mà ChatGPT và các công cụ AI cung cấp.

Với công nghệ AI ở cấp độ Máy học (ML) và Học sâu (DL) của OpenAI, ChatGPT được hình thành như một chatbot có đầy đủ tính năng của một người thật, đặc biệt là năng lực sáng tạo nội dung (viết blog, lên kịch bản, viết mail, làm thơ, viết nhạc…) sửa mã (code) máy tính, tính toán…. Đặc biệt, ChatGPT có khả năng tổng hợp, cắt ghép những nguồn thông tin sẵn có trên sách, báo, văn bản, Wikipedia… xuất hiện trên Internet để đưa ra phản hồi, đáp ứng được câu hỏi của người sử dụng đưa vào ChatGPT. Có thể thấy nếu ngày càng được cải thiện về khả năng tiếp cận và cập nhật kiến thức, xu hướng mới hàng ngày, ChatGPT sẽ sớm trở thành đối thủ đáng gờm của các “ông lớn” công nghệ như Google, Bing…

Dù cơn sốt ChatGPT hiện nay chủ yếu do sự tò mò của người dùng song giới chuyên môn cũng lên tiếng cảnh báo nguy cơ xảy ra tình trạng lạm dụng, lợi dụng siêu chatbot trên vào mục đích xấu, thậm chí mang tính phạm pháp. Trên Internet cũng đã xuất hiện thông tin về những vụ đánh lừa được ChatGPT để nó vượt qua luật lệ (của nhà phát triển), phục vụ cho ý đồ riêng của người dùng.

Một nhà báo tự do người Anh tên là Henry Williams đã dùng ChatGPT để viết một bài viết về cổng thanh toán và chatbox đã cho ra đời tác phẩm chỉ sau 30 giây (trong khi con người phải mất hàng giờ để hoàn thành). Sau khi kiểm chứng thông tin và hoàn thiện bài, nhà báo Henry Williams đã gửi bài báo tới tòa soạn và được trả nhuận bút 615 USD

Chắc chắn những vấn đề bản quyền của tác phẩm từ ChatGPT sẽ gây nên làn sóng tranh cãi mạnh mẽ và làm điên đầu các biên tập viên ở các tờ báo, nhà xuất bản; thậm chí còn bị lợi dụng để viết email lừa đảo và phần mềm độc hại. Bất luận thế nào thì theo quy luật và xu thế phát triển không ngừng của công nghệ, nhân loại bắt buộc phải chung sống với AI. Điều cần lưu ý là thế giới không phải chỉ có một ChatGPT của OpenAI mà trong tương lai sẽ còn rất nhiều chatbot trí tuệ nhân tạo khác đòi hỏi người dùng phải thật cẩn trọng và có sự chọn lọc khi sử dụng.

Gần đây nhất ngày 7/2 vừa qua, Tập đoàn Baidu – hãng tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc cho biết sẽ tham gia cuộc đua toàn cầu về AI bằng cách tung ra một chatbot tương tự ChatGPT có tên Ernie Bot vào tháng 3 tới.

Chatbot này được phát triển dựa trên hệ thống Ernie, một mô hình học máy của Baidu đã được huấn luyện dựa trên kho dữ liệu khổng lồ trong những năm qua. Ban đầu Baidu sẽ tích hợp chatbot này vào các dịch vụ tìm kiếm chính của hãng. Ernie Bot sẽ cho phép người dùng nhận kết quả tìm kiếm theo kiểu hội thoại giống như ChatGPT. Không chỉ hơn 1,4 tỉ dân Trung Quốc mà cả cộng đồng người sử dụng tiếng Hoa trên toàn thế giới cũng đang trông ngóng ứng dụng siêu AI “Made in China” này.

Tất nhiên dù là siêu AI, ChatGPT, Ernie Bot hay các chatbot khác cũng chỉ là một công cụ mô phỏng bộ não con người do chính con người tạo ra. Nó đơn thuần vẫn chỉ là một công cụ công nghệ tiên tiến mà tác dụng tốt hay xấu đều phụ thuộc vào cách con người sử dụng. Điều mấu chốt là con người trong thời đại công nghệ cao phải chấp nhận và tìm cách chung sống cùng các công cụ AI.

Việt Nhân