TS. Adam McCarty: “Ảnh hưởng của gia tăng lạm phát tại Mỹ đến Việt Nam là không đáng kể”
Những chỉ số dự báo gia tăng lạm phát tại Mỹ đang ngày một rõ nét và đây cũng chính là mối quan ngại lớn của hầu hết các nền kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên theo TS. Adam McCarty – Kinh tế trưởng Mekong Economics, Việt Nam có thể nằm ngoài tầm ảnh hưởng của gia tăng lạm phát tại Mỹ hoặc nếu có cũng không đáng kể.
TS. Adam McCarty cho rằng sở dĩ lạm phát đang gia tăng nhanh chóng tại Mỹ và các nền kinh tế lớn khác là do vừa qua các chính phủ đã chi rất nhiều, và mức lãi suất ở các nền kinh tế này thường ở mức gần bằng 0. Ngoài ra còn phải kể đến sự dồn nén nhu cầu tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ của người dân tại các quốc gia này trong giai đoạn dịch bệnh Covid – 19 bùng phát trên toàn cầu trước đó.
Sự cộng hưởng những yếu tố trên chính là nguyên nhân khiến lạm phát gia tăng. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Đồng USD tiếp tục xu hướng giảm giá nhẹ trong thời gian qua, đồng thời nguồn cung ngoại tệ vẫn duy trì trạng thái dồi dào, nhờ hoạt động xuất nhập khẩu và triển vọng về dòng vốn FDI vào Việt Nam. “Chừng nào lạm phát Việt Nam không vượt ra khỏi tầm kiểm soát, thì vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều” – TS. Adam McCarty khẳng định
Cũng theo Kinh tế trưởng Mekong Economics, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, chuỗi cung cầu nền kinh tế gặp rất nhiều bất định. Nếu như năm 2020, dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, doanh nghiệp mất nhiều đơn hàng thì hiện nay cầu lại tăng mạnh, thậm chí nhiều doanh nghiệp cho biết họ có quá nhiều đơn hàng và làm không hết. Tuy nhiên việc các đơn hàng tăng mạnh là tín hiệu rất tốt. Dù một số ngành kinh tế như dịch vụ, du lịch…đã bị tàn phá nặng nề trong đại dịch nhưng ít nhất trong lĩnh vực sản xuất và thương mại quốc tế cũng đang có những ảnh hưởng tích cực. Mặc dù các doanh nghiệp vẫn đang, và chắc chắn trong tương lai sẽ còn gặp nhiều khó khăn về cung cầu (không đủ nguồn cung cho sản xuất; không thể đáp ứng hết các đơn đặt hàng…) song điều này cũng đồng nghĩa với thương mại không bị tắc nghẽn. Đây cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Khi được hỏi về khả năng chuỗi cung ứng sẽ dịch chuyển trở lại Trung Quốc, khi số ca nhiễm tăng cao ở Việt Nam và Ấn Độ, TS. Adam McCarty cho rằng điều này là không thể bởi khi chọn một quốc gia làm điểm đến đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài phải mất rất nhiều thời gian để đưa ra quyết định. Chính vì vậy các quyết định này cũng sẽ không bị lung lay chỉ bởi một đợt bùng nổ ngắn hạn của Covid-19 ở nơi này hay nơi khác. Nhà đầu tư sẽ không thay đổi quyết định của mình ngay lập tức chỉ vì một sự kiện xảy ra tuần trước, hay ngay cả tháng trước. Điều này đồng nghĩa với Covid-19 không còn là yếu tố chính tác động đến các quyết định đầu tư xuyên biên giới nữa. Quan trọng hơn hết là những yếu tố dài hạn, chẳng hạn như chiến lược “Trung Quốc + 1”, hay rủi ro đa dạng hóa chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là lý do vì sao hàng loạt doanh nghiệp đã dịch chuyển chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, thậm chí cả những doanh nghiệp Trung Quốc. “Một lý do khác để Việt Nam “đánh bật” các đối thủ như Ấn Độ hay Indonesia là các chính sách thu hút đầu tư. Trong khoảng 5 – 10 năm trở lại đây, các chính sách về chi phí, giá nhân công của các nước này đã không còn hấp dẫn đối với nhà đầu tư nữa. Đó cũng chính là lợi thế giúp Việt Nam dẫn đầu trong danh sách điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp FDI” – Kinh tế trưởng Mekong Economics nhấn mạnh.
TS.Adam McCarty là người sáng lập, đồng thời là chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty tư vấn Mekong Economics. Sinh ra và lớn lên tại Úc, đến năm 1990 ông quyết định chuyển đến Việt Nam. Hiện nay ăn phòng lớn nhất của Mekong Economics đang ở Myanmar, với khoảng 20 nhân viên. Còn tại Việt Nam, Mekong Economics đang triển khai một số dự án về thương mại, đầu tư năng lượng gió khu vực phía Nam… |
Ngọc Ánh