Trung Quốc và tương lai của than: Câu hỏi lớn về khí hậu toàn cầu

Khi Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) ở Glasgow hạ màn vào thứ Bảy tuần trước, hiện vẫn còn một câu hỏi lớn chưa được giải đáp.

Câu hỏi nhức nhối đối với thế giới hiện nay là Trung Quốc sẵn sàng loại bỏ than đá trong hỗn hợp năng lượng sử dụng của họ đến mức nào?

Hơn 40 quốc gia đã nhất trí với điều đó, cam kết ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than và chuyển đổi khỏi sản xuất điện than trong thập kỷ này đối với các nền kinh tế lớn và phổ cập ra toàn cầu vào những năm 2040.

Thỏa thuận được ký hôm thứ Bảy cam kết sẽ đẩy nhanh “nỗ lực hướng tới việc loại bỏ dần điện than và loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả”.

Pauline Heinrichs, cố vấn chính sách của Tổ chức tư vấn về biến đổi khí hậu châu Âu E3G, cho biết: “Các thông báo có thể chưa đạt được kết quả tốt, nhưng chúng thực sự thể hiện một mốc thời gian trong nỗ lực loại bỏ than đá. Việc loại bỏ than là một quá trình, và không thể giải quyết ngay lập tức”.

Than đá chiếm 57% năng lượng tiêu thụ của cả nước và tạo ra hơn 70% điện năng. Nó cũng chiếm hơn một nửa sản lượng điện than đang hoạt động trên thế giới và chiếm 55% công suất của thế giới trong đường ống.

Chủ tịch của COP26, Alok Sharma, nói với BBC hôm Chủ nhật rằng Trung Quốc và Ấn Độ cần “tự giải thích” về thỏa thuận hôm thứ Bảy về việc chỉ “giảm dần” điện than chứ không phải loại bỏ dần.

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm thứ Hai cho biết Trung Quốc đã nỗ lực kiểm soát việc sử dụng than, gọi đây là “một quá trình gia tăng” cần tính đến “các điều kiện quốc gia khác nhau, các giai đoạn phát triển và nguồn lực khác nhau”.

Nước này đặt mục tiêu bắt đầu cắt giảm sử dụng than từ năm 2026 như một phần trong nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính.

Tuy nhiên, Christine Shearer, giám đốc chương trình về than tại Cơ quan Giám sát Năng lượng Toàn cầu có trụ sở tại San Francisco, cho biết cần phải có nhiều hành động hơn nữa. Christine Shearer nói: “Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc rất rõ ràng: việc sử dụng than đá cần phải giảm 80% vào năm 2030 để khống chế sự nóng lên toàn cầu xuống 1,5 độ C. Việc tăng tiêu thụ than đến năm 2026 chỉ khiến mục tiêu vốn đã khó này càng trở nên khó khăn hơn nếu không muốn nói là không thể đạt được. Vì lợi ích của hiệp định khí hậu Paris và hành tinh, Trung Quốc nên bắt đầu giảm tiêu thụ than ngay bây giờ và ngừng xây dựng các nhà máy than mới”.

Các chuyên gia khác cho biết sự thay đổi này sẽ không diễn ra trong ngắn hạn.

Teng Fei, Phó giám đốc Viện Kinh tế Môi trường Năng lượng tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh cho biết: “Quá trình chuyển đổi năng lượng đối với các nước đang phát triển khó hơn nhiều so với các nước phát triển.

Đó là do quán tính trong hệ thống năng lượng. Một khi các cơ sở được xây dựng, bao gồm các nhà máy điện, giao thông và các cơ sở hạ tầng khác, chúng sẽ có tuổi thọ cao và phải mất nhiều thời gian để thay thế các cơ sở cũ hơn, phát thải carbon cao”.

Quốc Hưng