Trung Quốc nhập khẩu than của Nga ở mức kỷ lục

Kim ngạch nhập khẩu than từ Nga của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong 5 năm vào tháng 8. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy thương mại Trung Quốc đang cung cấp cho Moscow một cứu cánh kinh tế khi nước này phải đối mặt với sự cô lập của quốc tế do cuộc chiến ở Ukraine.

Các lô hàng than của Nga đạt 8,54 triệu tấn vào tháng trước trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng cao do thời tiết quá nóng, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy hôm thứ Ba.

Lượng giao dịch này, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu khối lượng cao nhất kể từ khi các nhà chức trách bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2017.

Trung Quốc và Nga, hai quốc gia đầu năm nay tuyên bố tình hữu nghị của họ là “không có giới hạn”, đã hợp tác kinh tế sâu sắc hơn kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 2 ra lệnh xâm lược Ukraine.

Kim ngạch nhập khẩu từ Nga của Trung Quốc đã tăng 60% trong tháng 8 lên 11,2 tỷ USD do nhu cầu dầu, than và khí đốt tăng cao.

Các nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng đã tăng cường xuất hàng sang Nga, với khối lượng thương mại tháng trước tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái lên 8 tỷ USD.

Thương mại song phương giữa các bên đạt 117,2 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2022, tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bắc Kinh đã từ chối lên án cuộc xâm lược và phản đối các biện pháp trừng phạt do phương Tây dẫn đầu nhằm vào Moscow, mặc dù họ bày tỏ hy vọng về các cuộc đàm phán và hòa bình giữa các bên. Đồng thời, chính phủ Trung Quốc được cho là do dự trong việc công khai phạm các lệnh trừng phạt vì sợ mất quyền tiếp cận các thị trường xuất khẩu phương Tây và hệ thống tài chính quốc tế. Một số định chế chính nhà nước Trung Quốc lặng lẽ tránh xa nước Nga trong những tháng gần đây.

Carsten Holz, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, cảnh báo không nên giải thích việc nhập khẩu than Nga tăng vọt là một nỗ lực phối hợp của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ Moscow. Ông nói: “Những điều này được thúc đẩy bởi các yếu tố bên cầu ngắn hạn, cụ thể là đợt nắng nóng mùa hè và do đó nhu cầu năng lượng ở Trung Quốc tăng lên. Những người mua than phi tập trung ở Trung Quốc sẽ chọn loại than rẻ nhất, có sẵn nhanh chóng”.

Julien Chaisse, một chuyên gia về đầu tư và thương mại tại Đại học Thành phố Hồng Kông, cho biết vẫn còn phải xem liệu Bắc Kinh có đưa ra “lựa chọn có chủ ý” để dựa vào Nga hay không vì tăng trưởng thương mại cho đến nay được thúc đẩy bởi các yếu tố kinh tế, bao gồm cả chiết khấu giá than của Nga và nhu cầu năng lượng của Trung Quốc. Chaisse nói: “Nhưng trong trường hợp đó, điều đó chắc chắn có nghĩa là Nga sẽ duy trì mức giá thấp – hoặc thậm chí thấp hơn”.

Hoàng Hà