Trung Quốc hứa cung cấp vắc xin Covid-19 và các khoản vay cho Philippines

Trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Manila, ông đã hứa hẹn về việc cung cấp nửa triệu liều vắc xin Covid-19 cho Philippines, cam kết cho vay 1,34 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng và 77 triệu USD (500 triệu nhân dân tệ) viện trợ không hoàn lại, nhấn mạnh sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với “láng giềng” trong thời gian cuối trong nhiệm kỳ Tổng thống Rodrigo Duterte và trước khi Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ vào tuần tới.
Ông Vương Nghị nói bằng tiếng Quan Thoại trước cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jnr: “Với tư cách là một người bạn của Philippines và là nước láng giềng thân thiết nhất của các bạn, chúng tôi sẽ sát cánh cùng người dân Philippines cho đến khi tiêu diệt được loại virus này”.
Ông Locsin cảm ơn người đồng cấp Vương Nghị về vắc xin nhưng cũng đề cập đến tranh chấp Biển Đông. Theo bản ghi lại cuộc họp do văn phòng Locsin công bố, ông Locsin nói: “Chúng tôi có khả năng vượt qua thách thức trong việc quản lý các tranh chấp một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp, đồng thời tạo ra bước tiến theo hướng xây dựng lòng tin và cụ thể thiết thực cùng nhau hợp tác có lợi”.
Ông Vương Nghị cũng có cuộc gặp kéo dài 40 phút với ông Duterte, người nhấn mạnh Trung Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phục hồi kinh tế của Philippines. Từng là nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, Philippines đã rơi vào suy thoái vào năm ngoái trong trận đại dịch, điều này dẫn đến một trong những đợt đóng cửa lâu nhất và nghiêm ngặt nhất thế giới.
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines vào tối thứ Bảy không nói rõ Trung Quốc sẽ tặng loại vắc xin nào, mặc dù các cơ quan y tế dự kiến sẽ nhận đơn đặt hàng lô đầu tiên gồm 50.000 vắc xin từ Sinovac Biotech của Trung Quốc vào tháng tới để bắt đầu đợt tiêm chủng của đất nước. Quốc gia này đã đảm bảo được 25 triệu liều vắcxin CoronaVac của Sinovac nhưng CoronaVac vẫn chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines chấp thuận để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, không giống như vắc-xin do Pfizer và BioNTech phát triển, đã được phê duyệt vào tuần trước. Các liều vắc-xin Pfizer / BioNTech có thể đến Philippines vào tháng tới thông qua cơ sở Covax do Tổ chức Y tế Thế giới hậu thuẫn. Chính phủ Philippines cũng đang đàm phán với Pfizer để mua tới 40 triệu liều.
Ngay cả khi Philippines báo cáo hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày – với tổng số ca nhiễm hiện nay là 500.000 – nhiều người Philippines vẫn do dự về việc tiêm chủng do lo ngại về an toàn. Các nhà lập pháp cũng đã đặt câu hỏi tại sao Philippines, quốc gia có tỷ lệ thương vong và nhiễm trùng Covid-19 cao thứ hai ở Đông Nam Á, lại có ý định bắt đầu tiêm vắc xin CoronaVac, vì dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho thấy tỷ lệ hiệu quả khác nhau – và thấp hơn so với vắc xin phát triển ở Mỹ và Châu Âu.
Trong khi đó, Tiến sĩ Chester Cabalza, chủ tịch kiêm nhà sáng lập Tổ chức Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế, cho biết việc ký kết dự án đường sắt Subic-Clark sẽ “tạo ấn tượng rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Philippines ngay cả sau chính quyền Duterte mãn nhiệm”. Ông nói: “Đây là một thông báo sớm cho lứa ứng cử viên tổng thống Philippines tiếp theo rằng Trung Quốc có thể là đồng minh của Philippines và là đối thủ của Mỹ”. Tiến sĩ Cabalza cũng cho biết các chuyến thăm gần đây của Vương Nghị tới Đông Nam Á và Châu Phi cho thấy “Trung Quốc cảm thấy áp lực về mối quan hệ nồng ấm có thể có của Manila và Washington [dưới thời Biden]”. Ông nói: “Bắc Kinh cần tái khẳng định cam kết của mình với chính quyền Duterte bất chấp chính sách đối ngoại xoay chuyển chống lại Trung Quốc trên Biển Đông và cam đoan ủng hộ chương trình Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng và vắc xin của chính phủ Philippines”.
Hùng Anh