Trở ngại của Việt Nam trên con đường thịnh vượng
Tại Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam năm 2019 với chủ đề “Hướng tới Thịnh vượng”, được tổ chức ngày 19/9 tại Hà Nội. Các chuyên gia cho rằng: Tỷ lệ đói nghèo của Việt Nam chỉ còn một phần mười sau gần hai thập kỷ, song nền kinh tế vẫn còn nhiều điểm nghẽn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn lần này.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trước khi nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Những khó khăn được nhận diện, là sự thay đổi nhanh của thế giới, là diễn biến phức tạp của thương mại toàn cầu, là mức độ cạnh tranh ngày càng cao, xu hướng bảo hộ lên ngôi. Nhận định Việt Nam có mọi tiềm năng để duy trì thành công, song ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng cần phải có những cải cách “táo bạo”.
Chữ “táo bạo” được Giám đốc World Bank Việt Nam nhắc đến với hai nút thắt của nền kinh tế, là cải cách thể chế và yêu cầu giải quyết những điểm yếu trong mô hình tăng trưởng hiện tại. “Có những thành tựu ấn tượng, song Việt Nam vẫn chưa thực sự thành công trong việc tạo ra thể chế thị trường có hiệu quả”, ông Ousmane nói và cho rằng điều này đã cản trở sự phát triển lành mạnh của khu vực tư nhân.
Nhắc tới câu chuyện bộ máy nhà nước và thể chế, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng thể chế của Việt Nam tốt hơn một số nước trong khu vực, nhưng vẫn còn nhiều điểm tồn tại.
Đầu tiên là chưa xác định rõ hệ chuẩn và lựa chọn rõ ràng mô hình nhà nước. “Chúng ta nói nhiều về mô hình kiến tạo phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, nhưng hành xử ngày càng theo mô hình điều chỉnh như Anh, Mỹ”, ông Dũng nói và cho rằng nếu Việt Nam đi theo mô hình điều chỉnh sẽ rất dễ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.
Nói về nút thắt thứ hai của Giám đốc World Bank Việt Nam, ông David Dollar, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings (Mỹ) cho rằng, một điểm yếu trong mô hình tăng trưởng là đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn quá thấp.
Gắn bó với Việt Nam từ giai đoạn sau đổi mới, người từng được ví là “Dollar duy nhất” trong những năm đầu thập kỷ 90 cho rằng, so với các quốc gia có cùng quy mô, Việt Nam có ưu thế hơn nhờ môi trường chính trị tốt, nhờ đó thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao, nhưng ông cũng khẳng định, “chưa có quốc gia nào có thể thịnh vượng chỉ nhờ dòng vốn ngoại”.
Lấy ví dụ Trung Quốc, ông Dollar nói, một trong những lý do khiến Trung Quốc phát triển nhanh là sự đóng góp của khối kinh tế tư nhân với khả năng “bám rễ” sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cũng giống Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc chủ yếu thuộc về khối FDI, song các doanh nghiệp nội địa của họ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. “Họ không trực tiếp xuất khẩu sang Mỹ nhưng họ bán sản phẩm cho những doanh nghiệp FDI xuất khẩu sang Mỹ”, ông nói.
“Tôi từng đến thăm một doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc với quy mô chỉ 400 lao động và người chủ của họ là một kỹ sư từng làm việc 10 năm trong một công ty đa quốc gia. Đến một ngày, ông nói với công ty mình làm việc rằng, tôi có thể cung cấp sản phẩm với giá chỉ bằng một nửa mà chất lượng tương đương, và công ty kia đã cho ông ấy cơ hội”, ông Dollar kể.
Trong khi đó, Việt Nam, nền kinh tế có độ mở cao với sự đóng góp lớn của FDI trong xuất khẩu, chỉ có 21% doanh nghiệp Việt tham gia liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài, tỷ lệ của Thái Lan là 30%, còn Malaysia là 46%. Tỷ lệ nội địa hóa bình quân cũng chỉ đạt 33%. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong phần kết luận Diễn đàn, ví von những con số này như là “tiền lẻ” mà doanh nghiệp Việt thu được từ chuỗi giá trị toàn cầu.
Mở đầu bằng chia sẻ về một Việt Nam “không ngừng mơ ước”, song Thủ tướng cũng khẳng định, khát vọng hướng về phía trước dù rất đẹp, nhưng thực tại là những điều buộc phải đối mặt, buộc phải vượt qua.
Thủ tướng đồng tình với những nhận định của các chuyên gia quốc tế về những tồn tại, hạn chế và rủi ro trong mô hình kinh tế của Việt Nam. Người đứng đầu Chính phủ đánh giá tốc độ tăng GDP của nền kinh tế đang có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu còn cao.
“Bẫy thu nhập trung bình chính là cái đe dọa trực tiếp đến sự phát triển của Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tìm ra những cách làm phù hợp.
Minh Vương