Tp.HCM đồng hành gỡ vướng cho doanh nghiệp bất động sản

“Sự thành công của doanh nghiệp chính là thành công của Thành phố nên chúng tôi sẽ nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển…” là khẳng định của Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong tại Hội nghị “Gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản năm 2018”. Hội nghị được UBND Tp.HCM tổ chức nhằm tìm hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; tạo động lực thúc đẩy thị trường bất động sản Thành phố phát triển ổn định và bền vững.

Nhiều điểm nghẽn

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) – ông Lê Hoàng Châu cho biết trong 10 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản cả nước có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung lẫn số lượng giao dịch. Riêng tại Tp.HCM, trong 10 tháng đầu năm thị trường bất động sản có dấu hiệu sụt giảm rất rõ nét. Tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường của 65 dự án với tổng số 23.759 căn nhà (trong đó, có 22.684 căn hộ và 1.075 căn nhà thấp tầng), tổng giá trị huy động vốn đạt 43.761 tỷ đồng. Trong đó, phân khúc cao cấp có 7.444 căn, chiếm tỷ lệ 31,3%; phân khúc trung cấp có 11.731 căn, chiếm tỷ lệ 49,4%; phân khúc bình dân có 4.584 căn, chiếm tỷ lệ 19,3%. Số lượng dự án giảm 11,1%. Tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm 39,2%; phân khúc căn hộ cao cấp giảm ít nhất, chỉ 9,6%; phân khúc căn hộ trung cấp giảm 37,5%; phân khúc căn hộ bình dân giảm mạnh 68%. Đáng chú ý, từ đầu năm 2017 đến tháng 10/2018 đã xuất hiện hai đợt sốt ảo giá đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép tại một số quận ven và huyện ngoại thành Thành phố. Tín hiệu tích cực là từ đây cho đến Tết Kỷ Hội sẽ không xảy ra tình trạng “bong bóng” bất động sản.

Theo Chủ tịch HoREA, hiện thị trường bất động sản Tp.HCM có 7 điểm nghẽn ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, đầu tư xây dựng của doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn Thành phố gồm: điểm nghẽn về chấp thuận chủ trương đầu tư; về giải phóng mặt bằng; tiền sử dụng đất; chuyển nhượng dự án; dùng quỹ đất để thanh toán hợp đồng BT; điểm nghẽn tín dụng và thủ tục hành chính. Nếu những điểm nghẽn này nếu chậm tháo gỡ sẽ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới nguồn cung sản phẩm bất động sản giảm mạnh trong năm 2018 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm 2019.

Cam kết đồng hành

Tại Hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp bất động sản của Thành phố như: Công ty CP Đầu tư Nam Long, Hưng Thịnh Corp, Tập đoàn Novaland…cũng đã mạnh dạn nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp mình; đồng thời kiến nghị với lãnh đạo UBND Tp.HCM nhiều vấn đề nóng liên quan đến lĩnh vực bất động sản như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp sổ đỏ cho người nước ngoài khi mua nhà tại dự án; thời gian thực hiện thủ tục cấp sổ hồng căn hộ chung cư, tình trạng thanh tra khiến dự án ngưng trệ; tình trạng loạn danh xưng chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang…

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cảm ơn các doanh nghiệp đã thẳng thắn nêu kiến nghị và có những góp ý mang tính xây dựng cho Thành phố; đồng thời nhấn mạnh lãnh đạo Thành phố luôn lắng nghe doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường lành mạnh để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội Thành phố. Người đứng đầu UBND Tp.HCM chia sẻ: “Đối với kiến nghị của các doanh nghiệp, những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Thành phố thì chúng tôi sẽ nỗ lực giải quyết, tháo gỡ cho doanh nghiệp. Còn những vấn đề thuộc thẩm quyền cấp trên thì không còn cách nào khác là phải đợi” .

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở Xây dựng Thành phố phối hợp với HoREA tổ chức hội nghị giao ban hàng tháng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. “Sự thành công của doanh nghiệp chính là thành công của Thành phố nên chúng tôi sẽ nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển” – ông Phong khẳng định.

Minh Đường