Tổng thống Trump tái tranh cử sẽ khiến cho nền kinh tế Mỹ tụt dốc
Hiệp hội Kinh tế doanh nghiệp Quốc gia Mỹ (NABE) ngày 7/10 công bố kết quả một cuộc khảo sát với dự báo cho rằng tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ năm 2020 sẽ giảm dưới 2% lần đầu tiên kể từ 2016. Theo đó, dự báo của NABE về tăng trưởng kinh tế Mỹ 2020 giảm còn 1,8%, từ mức dự báo tăng 2,1% đưa ra trước đó.
Nền kinh tế Mỹ có sự khởi đầu khá tồi tệ trong tháng 10 này, với một loạt dữ liệu cho thấy sự giảm tốc. Các chuyên gia kinh tế dự báo xu hướng này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn, trang CNN Business cho hay.
Khi mới lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump hứa sẽ đưa kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 4%. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được mức tăng trưởng như vậy trong quý 2/2018, nhưng chỉ tăng 2,8% trong cả năm ngoái.
Với nền kinh tế Mỹ giảm tốc, triển vọng trúng thêm một khóa nữa của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020 có thể bị ảnh hửng bất lợi.
54 chuyên gia kinh tế được NABE khảo sát không dự báo kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, nhưng việc họ hạ mức dự báo tăng trưởng là dấu hiệu mới nhất cho thấy một đợt giảm tốc của kinh tế Mỹ không còn nằm trong kỳ vọng nữa mà gần như đã là chắc chắn.
Số liệu công bố vào tuần trước của Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) cho thấy ngành sản xuất của Mỹ trong tháng 9 suy giảm tháng thứ hai liên tiếp. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Mỹ tháng 9 tụt xuống mức thấp nhất 10 năm. Ngoài ra, chỉ số PMI ngành dịch vụ cũng cho thấy tăng trưởng giảm tốc.
Tiếp đó, số liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy thị trường lao động của nước này vẫn tăng trưởng trong tháng 9, nhưng mức tăng không đạt dự báo và tiền lương bình quân tính theo giờ cũng chững lại.
Nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng của nền kinh tế Mỹ hiện nay không phải là tệ. Phát biểu hôm thứ Sáu, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng nói rằng nền kinh tế vẫn “đang trong một trạng thái tốt”.
Những đánh giá như vậy không phải là không có cơ sở. Những người lạc quan lập luận rằng tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện ở mức 3,5%, thấp nhất trong 50 năm, và số lượng công việc đăng tuyển đang lớn hơn cả số người tìm việc làm. Ngoài ra, chuỗi thời gian tăng trưởng kỷ lục của kinh tế Mỹ vẫn đang tiếp tục, chỉ là tốc độ tăng trưởng chậm lại mà thôi.
Năm nay, FED đã hạ lãi suất 2 lần để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. 40% số chuyên gia được NABE khảo sát dự báo FED có thêm một đợt giảm lãi suất nữa trong 2019, 3/4 dự báo FED hạ lãi suất thêm lần nữa trong thời gian từ nay đến hết 2020.
Trong khi đó, theo công cụ FEDWatch Tool của sàn CME, giới đầu cơ đang đặt cược khả năng 79% FED hạ lãi suất trong cuộc họp vào cuối tháng 9. Khả năng FED hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 12 là 90%.
Nhưng dù FED có hạ lãi suất hay không, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục là một rủi ro thực sự đối với nền kinh tế.
“Sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, tình trạng bấp bênh dai dẳng do chính sách thương mại gây ra, và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc là những rủi ro lớn nhất có thể khiến kinh tế Mỹ suy giảm tăng trưởng”, chuyên gia kinh tế trưởng Gregory Daco của Oxford Economics, người phụ trách khảo sát của NABE, nhận định.
Theo báo cáo của NABE, sự bấp bênh mà thương chiến Mỹ-Trung đặt ra cho tăng trưởng kinh tế Mỹ nói chung, và những lĩnh vực của nền kinh tế như ngành sản xuất, là rất lớn.
Kể từ khi thương chiến nổ ra cách đây gần 1 năm rưỡi, thị trường tài chính Mỹ luôn bị chi phối bởi tin tức về cuộc chiến này. Các chỉ số chứng khoán ở Phố Wall tăng điểm mỗi khi có những dấu hiệu dù nhỏ nhất về khả năng Mỹ-Trung đạt một thỏa thuận thương mại, để rồi sụt giảm ngay mỗi khi có bước leo thang căng thẳng mới.
Theo NABE, nếu thương chiến Mỹ-Trung được giải quyết, triển vọng của nền kinh tế Mỹ có thể sẽ khác đi rất nhiều.
Huy Hoàng