Tín hiệu vui trong xuất khẩu điện thoại và linh kiện

Trong khi nhiều ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu khác gặp khó khăn do dịch Covid-19 chưa được kiểm soát trên toàn cầu thì từ đầu năm 2021 đến nay, xuất khẩu điện thoại và linh kiện tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam

Tăng trưởng vượt bật

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm, có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó điện thoại và linh kiện tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,3 tỷ USD, chiếm 19,2% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước.  Đây được xem là những tín hiệu đáng mừng, dự báo một năm tăng trưởng mạnh mẽ của ngành điện tử, đóng góp to lớn vào quá trình khôi phục và đạt mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021.

Hiện nay tăng trưởng của mặt hàng điện thoại và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước bởi đây là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu như năm 2010, xuất khẩu điện thoại và linh kiện mới chỉ chiếm 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu thì chỉ 6 năm sau con số này đã tăng lên 19,5%, gấp 6 lần tỷ trọng của năm 2010 và từ đó đến nay luôn duy trì mức trên dưới 20%. Hiện nay xuất khẩu điện thoại và linh kiện đang dẫn đầu trong 6 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam (điện thoại và linh kiện; điện tử, máy vi tính và linh kiện; dệt may; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giầy dép; gỗ và sản phẩm gỗ); thị trường xuất khẩu chủ lực của nhóm hàng này bao gồm EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc. 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang Trung Quốc đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng cao 103,9% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong tháng 2, 3 mẫu điện thoại thông minh “made in Vietnam” do VinSmart sản xuất đã chính thức được bày bán trên trang web của AT&T – nhà mạng hàng đầu nước Mỹ. Thành công của VinSmart giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt tự tin hơn trong hoạt động đầu tư sản xuất, tiến tới xuất khẩu điện thoại, linh kiện “made in Vietnam” ra thị trường quốc tế.

Chờ sự trỗi dậy của doanh nghiệp nội

Do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, ngành sản xuất điện tử, điện thoại Việt Nam có nhiều cơ hội đón làn sóng đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn dịch chuyển sang. Điển hình có thể kể đến hàng loạt đối tác gia công lớn của của Apple như Foxcon, Luxshare, GoerTek, Compal đều có các nhà máy đặt tại Việt Nam hoặc dịch chuyển từ Trung Quốc sang.

Hay như Samsung, trong 2 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của “ông lớn” này tăng cao nhờ hãng này đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm điện thoại di động phiên bản mới. Với tầm ảnh hưởng của mình, Tập đoàn Samsung kéo theo hệ sinh thái các nhà cung ứng quy mô doanh thu hàng chục tỷ USD; điều đáng buồn là hầu hết các vendor linh kiện điện tử phức tạp của Samsung đều là doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam theo tiếng gọi của Chaebol Hàn Quốc. Như vậy để các doanh nghiệp nội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng điện thoại và linh kiện vẫn còn là chặng đường dài, nhất là trong bối cảnh khối ngoại vẫn không ngừng gia tăng nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện đầu vào sản xuất điện thoại.

Theo các chuyên gia, nếu muốn tận dụng các cơ hội mở ra ở mảng điện thoại và linh kiện, điều các doanh nghiệp nội địa cần lưu tâm là trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam cũng đã nhập khẩu 3,64 tỷ USD điện thoại các loại và linh kiện, tăng 74,6% so cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy cùng với những đóng góp lớn lao của khối ngoại, hoạt động xuất khẩu điện thoại và linh kiện vẫn tiếp tục trông chờ vào sự trỗi dậy của khối nội nhằm tận dụng hiệu quả các cơ hội lớn được mở ra từ sức tăng trưởng của thị trường tiêu thụ cũng như sức hút của dòng vốn FDI.

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương – Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, giai đoạn hậu Covid-19 sẽ có sự chuyển dịch sản xuất cơ học của các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử sang Việt Nam, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước có thể trở thành vệ tinh, cung cấp linh kiện, phụ kiện cho họ. “Điều chúng tôi mong mỏi là các dự án FDI trong ngành điện tử sẽ đáp ứng được tiêu chí mang lại hàm lượng công nghệ cao và có sức đột phá, lan tỏa; qua đó giúp các doanh nghiệp Việt thực sự tạo được giá trị gia tăng nội địa mà đối tượng hưởng lợi lớn nhất chính người tiêu dùng trong nước” – bà Hương nhấn mạnh.

Thành Nam