Tìm lời giải cho bài toán phát triển logistics Tp.HCM

Nhằm khắc phục các điểm nghẽn cũng như tìm giải pháp hữu hiệu nhất cho phát triển logistic tại Tp.HCM, Sở Công Thương Thành phố đã phối hợp với Trường đại học Hoa Sen và Hiệp hội Logistics Tp.HCM tổ chức Diễn đàn Logistics Tp.HCM lần thứ nhất – năm 2022 với chủ đề “Vị thế logistics của Tp.HCM từ góc nhìn cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực”

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn lớn để phát triển logistics TP. Hồ Chí Minh

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế, Tp.HCM xác định ngành logistics là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài của kinh tế Thành phố. Một trong 49 Chương trình, Đề án trọng tâm phát triển kinh tế Thành phố là Đề án Phát triển ngành logistics Tp.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp (doanh nghiệp) Tp.HCM đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030; tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%; góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10 – 15%.

Còn theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM, trong những năm qua tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp Thành phố luôn đạt trung bình 14%/năm (năm 2018 tăng trưởng 12%, năm 2019 đạt 14,7%); tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP Thành phố năm 2018 ước đạt 8,3%, năm 2019 xấp xỉ 8,7%.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, phát triển logistics Tp.HCM cũng tồn tại những điểm nghẽn lớn: các cụm cảng khu vực Thành phố gồm nhiều bến nhỏ lẻ, thiếu tập trung, liên kết, luồng vào và độ sâu bến thường hẹp và nông nên hạn chế tàu có trọng tải lớn vào hoạt động; các bến được đầu tư xây dựng thô sơ, hệ thống kho bãi bộc lộ nhiều hạn chế, hệ thống kho lạnh chưa phát triển; chưa có Trung tâm logistics đáp ứng tiêu chí trong Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ; thông tin về hệ thống giao thông cầu đường chưa đầy đủ; xe tải lớn bị cấm vào các trục đường nội đô làm tăng chi phí vận chuyển nhiều lần….

Cũng đề cập đến những bất cập trong phát triển logistics của Tp.HCM, Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng cho biết hạ tầng logistics và phát triển nguồn nhân lực là hai điểm nghẽn kéo hãm đà tăng trưởng của ngành logistics Thành phố. Cụ thể về hạ tầng, có thể thấy hệ thống đường giao thông hiện hữu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển lâu dài của Thành phố, đặc biệt các tuyến đường vành đai kết nối Tp.HCM với các tỉnh Đông – Tây Nam Bộ triển khai còn chậm, gây cản trở cho giao thương hàng hóa 2 chiều giữa Thành phố với các tỉnh lân cận.

Về nguồn nhân lực, có thể thấy hiện nguồn nhân lực ngành logistics vẫn còn thiếu và yếu, tương xứng với tiềm năng phát triển của Thành phố. Mặc dù trên địa bàn Tp.HCM có nhiều trường đại học song mối liên kết giữa hệ thống các trường đào tạo với các doanh nghiệp logsitics còn chưa chặt chẽ, thiếu sự tương tác, kết nối để nắm bắt nhu cầu từ đào tạo đến đầu ra.….

Ngoài hai điểm nghẽn lớn trên, đại diện một số doanh nghiệp Tp.HCM cho rằng ngành logistics của Tp.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung còn bị một điểm nghẽn khác là hạ tầng mềm chưa phát triển đồng bộ. Cụ thể là ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số chưa phát triển, thiếu đồng bộ, chưa được quy hoạch lâu dài nên thường dễ gây hiệu ứng domino tắt nghẽn, phát sinh nhiều công đoạn thừa, làm chậm và gia tăng chi phí logistics cho doanh nghiệp…

Theo các chuyên gia có mặt tại Diễn đàn, để khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực logistics cần đẩy mạnh liên kết vùng giữa Tp.HCM và các tỉnh, thành phố lân cận trong vấn đề phát triển hạ tầng giao thông, quy hoạch các trung tâm logistics cũng như vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, làm sao cho phát huy được tổng hòa lợi ích. Đặc biệt để phát triển nguồn nhân lực cả về chất lẫn lượng theo định hướng quốc tế, Tp.HCM cần liên kết với các tỉnh, thành phố để cùng ứng dụng thành tựu khoa học – kỹ thuật (trí tuệ nhân tạo, di động, người máy và máy bay không người lái, blockchain, thực tế ảo tăng cường) vào phát triển ngành bởi đây là yếu tố cốt lõi trong việc thúc đẩy các chiến lược phát triển ngành logistics trên thế giới. Đồng thời liên kết vùng thúc đẩy phân bổ và dịch chuyển nguồn lao động logistics giữa các địa phương góp phần giảm chi phí cạnh tranh, giảm áp lực đào tạo và cơ hội việc làm.

Văn Anh