Tiền kỹ thuật số là tương lai của hệ thống tài chính Nga
Theo thống đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina, khi nền kinh tế chuyển sang hoạt động trực tuyến, tiền tệ kỹ thuật số sẽ là tương lai của các hệ thống tài chính.
Phát biểu với CNBC, bà nói rằng hiện cần có hệ thống thanh toán giá rẻ, nhanh chóng và tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương có thể lấp đầy khoảng trống đó.
Bà nói: “Tôi nghĩ đó là tương lai cho hệ thống tài chính của chúng tôi vì nó tương quan với sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số”. Moscow đã xuất bản một bài báo tham vấn về đồng rúp kỹ thuật số vào tháng 10 và đặt mục tiêu có một nguyên mẫu sẵn sàng vào cuối năm 2021. Nabiullina cho biết các chương trình thử nghiệm có thể bắt đầu vào năm tới.
Đó có thể là mối lo ngại đối với Mỹ, theo một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Michael Greenwald.
Ông nói với CNBC hôm thứ Tư: “Điều khiến tôi lo lắng là nếu Nga, Trung Quốc và Iran đều tạo ra các loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương để hoạt động bên ngoài đồng đô la và các quốc gia khác theo gót họ, điều đó sẽ đáng báo động”.
Các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương không giống như tiền điện tử, chẳng hạn như bitcoin. Ngân hàng Trung ương Nga cho biết vào năm ngoái, chúng được phát hành và kiểm soát bởi các cơ quan chức năng và giá trị của một đồng rúp kỹ thuật số sẽ bằng một rúp tiền mặt. Tiền điện tử là bất hợp pháp ở Nga cho đến năm ngoái và vẫn không thể được sử dụng để thanh toán. Nabiullina nói: “Chúng tôi sẽ đi từng bước một, bởi vì đó là [một] dự án rất khó về công nghệ, pháp lý”.
Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang phát triển các loại tiền kỹ thuật số có chủ quyền, mà những người ủng hộ cho rằng có thể thúc đẩy sự bao trùm tài chính và giúp các giao dịch xuyên biên giới dễ dàng hơn. Nhưng Nabiullina dự đoán sẽ có những thách thức trong việc tìm kiếm “giải pháp chung” giữa các hệ thống được phát triển độc lập bởi các quốc gia khác nhau. Bà nói: “Nếu mỗi ngân hàng tạo ra hệ thống riêng của mình, các hệ thống công nghệ với tiêu chuẩn địa phương, thì sẽ rất khó để tạo ra một số kết nối giữa các hệ thống này để tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các khoản thanh toán xuyên biên giới”.
Nabiullina cũng cân nhắc về các lệnh trừng phạt của Mỹ mà bà mô tả là “rủi ro dai dẳng” đối với Nga. Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong những năm qua, từ nghi ngờ đầu độc các chính trị gia đối lập, cho đến cáo buộc can thiệp bầu cử và tấn công mạng. Bà nói: “Đó là lý do tại sao chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khóa và toàn bộ chính sách kinh tế vĩ mô của chúng ta khá thận trọng”.
Tiến Nam