Thụy Điển tiên phong phát triển công nghệ cấy chip vào tay
3.000 người dân Thụy Điển đã thực hiện cấy microchip vào tay. Những con chip siêu nhỏ sẽ hoạt động như thẻ tín dụng không cần tiếp xúc, chìa khóa điện tử, thậm chí là thẻ đường sắt. Sau khi cấy con chip này, họ có thể ung dung đi ra ngoài mà không cần phải mang theo chìa khóa xe, thẻ thanh toán, thẻ ra vào căn hộ, thẻ cơ quan…; cũng không sợ quên hay thất lạc.
Trong thời đại công nghiệp sôi động, việc mang theo một chiếc ví đựng tiền mặt cùng một loạt thẻ (thẻ gửi xe, thẻ ra vào cơ quan, thẻ tín dụng, thẻ mua hàng…) khiến nhiều người e ngại bởi mỗi khi cần dùng lại phải lục lọi tìm kiếm chúng. Khi Smartphone thịnh hành, người ta lại tìm được cách để tích hợp các loại thẻ vào điện thoại di động; tuy nhiên bất cập của phương thức này là điện thoại di động cũng dễ bị mất và trên hết là vẫn có thể bị tin tặc xâm nhập.
Các kĩ sư tại Thụy Điển đã giúp giải bài toán hóc búa này khi chế tạo ra một con chip siêu nhỏ, có thể được cấy dưới da. Một khi con chip nằm dưới da của bạn, nó sẽ đảm nhiệm chức năng của một chiếc thẻ đa năng và bạn không cần lo lắng về việc quên thẻ hay phải mang theo ví tiền. Cụ thể con chip vận hành theo cơ chế của một thiết bị kĩ thuật số, nó sẽ gửi tín hiệu wireless đến thiết bị đọc trong phạm vi gần (tối đa khoảng 4cm). Khi cấy con chip này vào tay, người dùng chỉ cần đưa tay vào gần máy đọc thẻ là đã có thể mở xe ô tô, ra vào cơ quan, thanh toán tiền… một cách vô cùng tiện lợi. Trong tương lai, dự kiến microchip này sẽ còn được tích hợp thêm hàng loạt tính năng mới hữu dụng.
Thực ra công nghệ này đã được ứng dụng từ năm 2015 khi có một nhóm những người Thụy Điển với sự hỗ trợ của các công ty công nghệ đả thử cấy các con chip siêu nhỏ vào cơ thể mình. Tuy nhiên thời điểm này những con chip cấy vào cơ thể người chỉ là loại chip chuyên dùng cấy vào cơ thể chó, mèo để chủ nhân dễ quản lý chúng. Phải đến tháng 6/2017, những ứng dụng đầu tiên của các microchip cấy vào cơ thể người mới được kích hoạt.
Hiện nay đã có 3.000 người tại Thụy Điển thực hiện cấy thử loại chip này vào bàn tay mình. Tuy mang lại tiện ích vượt trội song với nhiều người việc phải mang theo một con chip trong cơ thể khiến họ cảm thấy tù túng, thậm chí là sợ hãi bởi các công ty có thể dùng con chip này để nắm hành vi cũng như đường đi nước bước của họ. Chưa kể đến việc các microchip cũng chỉ mới được phát triển ở cấp độ sơ khai, chưa đủ đảm bảo về độ an toàn cũng như độ bảo mật để người dùng hoàn toàn yên tâm rằng chúng không thể bị tin tặc tấn công.
Theo : Phước Tài