Thương mại điện tử xuyên biên giới – Cánh cửa mới cho các doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tuyến

Dịch bệnh Covid-19 hoành hành khiến nền kinh tế chao đảo song đây lại là cơ hội để làn sóng bán hàng, xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới bùng nổ với lượng khách hàng mua hàng online tại nhà ngày càng tăng cao.

TMĐT xuyên biên giới được định nghĩa là hình thức mua – bán của một doanh nghiệp (hoặc người) ở quốc gia này với một doanh nghiệp (hoặc người) ở quốc gia khác. Khách hàng tìm kiếm, tra cứu thông tin về sản phẩm, về doanh nghiệp của bạn thông qua trang TMĐT và qua Internet, sau đó tiến hành đặt hàng và thanh toán đơn hàng cho bạn.

Tất cả đều diễn ra bằng một chiếc máy tính được kết nối với Internet! Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), năm 2019 tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam đạt trên 32%; tốc độ tăng trưởng trung bình của giai đoạn bốn năm 2016- 2019 khoảng 30%. Quy mô TMĐT bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD. VECOM đưa ra dự báo năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô TMĐT Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD.

Tuy nhiên đi ngược với tính toán của VECOM, các tập đoàn lớn thế giới (Google, Temasek, Bain & Company) cho rằng với tốc độ tăng trưởng như vũ bão hiện nay, nhiều khả năng quy mô TMĐT của Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 43 tỷ USD và vươn lên vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

Còn theo khảo sát từ Alibaba.com, có đến 65% người mua hàng trên nền tảng TMĐT toàn cầu B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) đều lên thẳng các trang TMĐT và gõ tìm kiếm các sản phẩm họ muốn mua; trong khi đó tỷ lệ người mua hàng tìm kiếm thông qua Google chỉ đạt 54%.

Những con số này cũng phần nào cho thấy sức hút ngày càng mãnh liệt của các trang TMĐT khi luôn đáp ứng hiệu quả nhu cầu tìm kiếm hàng hóa của người mua hàng toàn cầu. Chưa kể ngày 1/8/2020 vừa qua, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu – hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực, mở ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp Việt xâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức này.

Hiện Amazon đang đứng đầu về doanh số bán lẻ TMĐT ở Hoa Kỳ. Theo tờ Statista, tính đến tháng 2/2020, Amazon chiếm tới 38,7% tổng doanh số bán lẻ TMĐT tại Hoa Kỳ; đặc biệt có gần 9 trong tổng số 10 người được hỏi ở Hoa Kỳ trả lời đã mua sắm ít nhất một thứ gì đó trên Amazon trong vòng 12 tháng qua.

Tính đến thời điểm hiện tại, Amazon có 18 website trên thế giới, sử dụng 27 ngôn ngữ khác nhau, tiếp cận khách hàng ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, có hơn 300 triệu khách hàng và hơn 100 triệu thành viên Prime trên toàn cầu, 175 trung tâm kho bãi, 40 máy bay chở hàng và 100.000 đơn vị Amazon Robotic.

Theo bà Nguyễn Phương Trinh – Quản lý tài khoản cấp cao của Amazon Global Selling Vietnam, với quy mô và mạng lưới khổng lồ, việc tiếp cận được với sàn TMĐT Amazon sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ một cách dễ dàng hơn, tiết kiệm được cả thời gian và chi phí, qua đó mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và phát triển sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ về hành trình xuất khẩu sản phẩm trên sàn TMĐT, bà Lê Tú Uyên – Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu đồ thủ công mỹ nghệ Love Natural – người đã kinh doanh và xuất khẩu nhiều đơn hàng thành công trên Alibaba.com cho biết mọi sự khởi đầu của một chiến lược mới, một giải pháp kinh doanh mới, một con đường phát triển mới đều xuất phát từ sự tự tin ở mỗi bản thân của từng doanh nghiệp.

“Đương nhiên, không thể cứ nói như vậy là mọi chuyện đã được giải quyết ổn thỏa, bởi để xuất khẩu thành công cần hội tụ rất nhiều yếu tố như sản phẩm phải chất lượng, giá thành phải tốt, sản lượng sản xuất phải đủ lớn để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng,… nhưng để “thành công lớn”, trước tiên các doanh nghiệp phải là người “nghĩ lớn” và tự tin vào chính sản phẩm của mình” – bà Uyên nhấn mạnh.

Để xuất khẩu qua TMĐT, doanh nghiệp phải sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ mặc định; ngoài ra trên nền tảng TMĐT còn hỗ trợ dịch thuật tới hơn 16 ngôn ngữ phổ biến khác trên toàn cầu, giúp các nhà nhập khẩu và xuất khẩu trao đổi thông tin thuận tiện, dễ dàng hơn.

Doanh nghiệp cũng cần sáng tạo, hoạt động tích cực trong các gian hàng của mình để hấp dẫn khách mua, nâng cao thứ hạng gian hàng, tăng khả năng quảng bá sản phẩm, đặc biệt là tiếp cận nhà nhập khẩu một cách toàn diện nhất bởi tính cạnh tranh trong TMĐT cũng rất khốc liệt.

Theo khuyến nghị của bà Lê Tú Uyên, doanh nghiệp cũng cần số hóa tất cả điểm tiếp xúc mà doanh nghiệp sử dụng để tương tác với người mua hàng, qua đó hỗ trợ cho công tác bán hàng tốt nhất từ khâu marketting, bán hàng, cho tới chăm sóc khách hàng…

Trên thực tế có nhiều doanh nghiệp mở gian hàng trên các sàn TMĐT song người nhập khẩu lại tiếp cận doanh nghiệp qua các kênh khác như: email, website, gặp trực tiếp doanh nghiệp… Nếu doanh nghiệp chuẩn hóa, số hóa tất cả các kênh thì khả năng tiếp cận của người nhập khẩu rất lớn.