Thương mại điện tử, fintech, logistics – “Điểm sáng” của nền kinh tế số

Với dân số gần 100 triệu người, độ tuổi dưới 35 tuổi chiếm khoảng 70% và tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm gần 7%…, Việt Nam được xem là thị trường nóng nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2019. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ để 3 ngành “xương sống” của kinh tế số (thương mại điện tử, fintech, logistics) mạnh mẽ phát triển…

Thời gian qua, cơ sở hạ tầng kinh tế số đã phát triển nhanh chóng, với tăng trưởng 148% số người sử dụng điện thoại di động và dịch vụ di động. Lĩnh vực công nghệ chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong hoạt động vốn cổ phần tư nhân; trong đó hầu hết vốn mới của năm 2019 đều được chuyển vào lĩnh vực thương mại điện tử, fintech và logistics.  Theo ghi nhận của chuyên gia Yotaro Tokuo tại Công ty CP Tư nhân Nhật Bản Advantage Partners, Kinh tế Việt Nam đã trở thành “điểm nóng” hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á thu hút đông đảo các nhà đầu tư quốc tế. Điều quan trọng là Việt Nam vẫn còn rất nhiều khoảng trống để tăng trưởng nhanh, mạnh hơn nữa trong tương lai; các chính sách thu hút vốn FDI cũng thông thoáng hơn rất nhiều.

Còn theo chuyên gia Khánh Trần của VinaCapital Ventures – Công ty đầu tư công nghệ của công ty quản lý tài sản VinaCapital, công nghệ là một không gian không biên giới, nơi các nhà đầu tư trong khu vực có thể tiếp xúc với thị trường Việt Nam dễ dàng hơn rất nhiều so với các ngành công nghiệp truyền thống. Tuy nhiên đây cũng chính là sức ép cạnh tranh không nhỏ lên các nhà đầu tư trong nước.

Thật vậy, năm 2019 cũng đánh dấu các giao dịch đầu tiên cho một loạt các công ty cổ phần tư nhân quốc tế. Advantage Partners đầu tư vào nhà bán lẻ thời trang Elise, tài trợ của TA Associates cho công ty SaaS MISA JSC và Kaizen Private Equity tài trợ cho Yola. Deal Street Asia cũng báo cáo rằng Baring Private Equity Asia đã đạt được thỏa thuận đầu tiên tại Việt Nam với việc mua lại Trung tâm tiếng Anh của Hiệp hội Hoa Kỳ Việt Nam. Không chỉ các nhà đầu tư mạo hiểm như Quỹ tăng trưởng Mirae-Naver, InnoVen Capital , Golden Equator Capital , GGV Capital, RTP Global…mà các nhà quản lý quỹ như Mekong Capital, cùng với Excelsior Capital Asia, ACA Investments, DT & Investments, FEBE Ventures…. cũng đã có một năm hết sức bận rộn.

Hầu hết vốn mới của năm 2019 đã được chuyển sang lĩnh vực thương mại điện tử, fintech và logistics. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2019 của Google, Temasek và Bain, ở thời điểm hiện tại, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam là 4,6 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt con số khổng lồ 23 tỷ USD. Với tiềm năng tăng trưởng dồi dào, lĩnh vực thương mại điện tử dự kiến sẽ thu hút nhiều vốn hơn nữa. Cùng với sự bùng nổ thương mại điện tử, đầu tư cũng sẽ đổ mạnh vào hậu cần. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần chi mạnh tay hơn nữa cho đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để kết nối các cảng với kho và trung tâm hậu cần.

Linh Phạm – Nhà sáng lập kiêm CEO Logivan cho biết chính sự rời rạc và kém hiệu quả của các ngành sản xuất truyền thống tại Việt Nam đã tạo cơ hội cho các công ty khởi nghiệp nổi lên. Năm 2019, đã có 10 giao dịch rót vốn vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực giao hàng tận nơi, dịch vụ theo yêu cầu và hệ thống quản lý hậu cần; trong số này có tài trợ của Temasek cho Giao hàng nhanh và AhaMove. “Đầu tư gia tăng vào hậu cần, đi đôi với sự tăng trưởng và đầu tư vào thương mại điện tử. Hậu cần điện tử rất quan trọng đối với thương mại điện tử vì nó tương tác trực tiếp với khách hàng cuối cùng”, Jack Nguyễn – người đứng đầu GrabExpress Việt Nam nhấn mạnh.

Cùng với thương mại điện tử và logistics, lĩnh vực fintech cũng có sự tăng trưởng ấn tượng. Theo báo cáo của United Overseas Bank, năm 2019 Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á về đầu tư fintech, chiếm 36% tổng đầu tư fintech trong khu vực, chỉ sau Singapore (chiếm 51%). Trong khi đó, thị trường thanh toán di động của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 70,9 tỷ USD vào năm 2025 – một mức tăng khổng lồ từ 16 tỷ USD trong năm 2016. Jeffrey Seah – một đối tác của Quest Ventures cho hay trong bối cảnh hệ thống ngân hàng truyền thống ngày càng “xập xệ” thì lĩnh vực fintech lại có chiều hướng tăng trưởng mạnh mẽ. Các tập đoàn lớn đã không thể phát triển fintech đủ nhanh…

Minh Phượng