Thực hư chuyện các ứng dụng gọi xe công nghệ đua nhau “nổ” về số liệu thị phần
Để nâng giá trị doanh nghiệp, nâng hiệu quả thu hút vốn đầu tư và thậm chí để thị uy với các đối thủ khác, các Startup không ngại nâng số liệu thị phần của mình cao hơn so với thực tế.
Sau 2 tháng chào sân thị trường Việt Nam, “ông lớn” Go-Jek với ứng dụng gọi xe công nghệ Go-Viet đã 3 lần công bố số liệu thị phần của mình tại thị trường Tp.HCM với những con số luỹ tiến hết sức ấn tượng: từ 10% thị phần sau 3 ngày ra mắt tăng lên 15% thị phần sau gần 1 tháng và mới đây con số này đã tăng vọt lên 35% thị phần sau 2 tháng chạy thử nghiệm.
Sếp Go-Jek tuyên bố Go-Viet đã chiếm 35% thị phần xe 2 bánh tại TPHCM. Ảnh: Zing.
Ông Nadiem Makarim – CEO kiêm sáng lập Go-Jek cho biết hiện Go-Viet có 1,5 triệu lượt tải và 35.000 đối tác tài xế đã đăng ký. Tuy nhiên Go-Viet lại từ chối công bố số cuốc xe thực hiện trung bình trong một ngày.
Về phía đối thủ Grab mặc dù không khoa trương, công bố số liệu thị phần rầm rộ như Go-Viet nhưng trong lần gặp gỡ báo chí tại Hà Nội vào giữa tháng 9/2018, người đồng sáng lập của Grab – bà Tan Hooi Ling cho biết hiện ứng dụng gọi xe công nghệ này có hơn 175.000 đối tác tài xế trên toàn quốc, tập trung chủ yếu ở 2 thành phố lớn hàng đầu cả nước là Tp.HCM và Hà Nội.
Một ứng dụng gọi xe công nghệ khác FastGo – ứng dụng phát triển bởi Tập đoàn NextTech cũng đã tự tin công bố số liệu thị phần của mình. Cụ thể CEO FastGo Nguyễn Hữu Tuất trong cuộc trao đổi với báo chí cuối tháng 8 đã tiết lộ sau 3 tháng thành lập, FastGo đã chiếm trọn 20% thị phần xe 4 bánh, đứng thứ 2 thị trường ứng dụng gọi xe. Con số 20% thị phần này của FastGo được biết tính toán dựa trên số lượng 25.000 đối tác tài xế.
Tuy nhiên theo một chuyên gia trong ngành, việc tính toán thị phần dựa trên số lượng tài xế là không chuẩn xác. Để có nhiều cuốc gọi, hầu hết các tài xế đều có xu hướng cài 2 Apps gọi xe trở lên. Trường hợp họ vừa cài Go-Viet, vừa chạy cho Grab chẳng hạn, nếu dùng tài xế để tính toán thị phần thì tài xế này sẽ được đưa vào bảng tính thị phần của cả Grab lẫn Go-Viet. “Hiện nay tất cả các số liệu thị phần thực chất đều do các hãng tự công bố, chưa có thống kê từ một đơn vị độc lập nào nên tính chuẩn xác của nó cần phải xem lại” – vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Còn nhớ năm 2017, CEO Go-Jek Nadiem Makarim trong lần trả lời phỏng vấn Tech In Asia đã công bố thị phần của Go – Viet tại thị trường Indonesia đã chiếm tới 50%, vượt qua cả Uber lẫn Grab (thời điểm đó Uber chưa rút khỏi thị trường Đông Nam Á). Tuy nhiên nhà báo Nadine Freischlad của Tech In Asia cho biết theo dữ liệu truy xuất từ App Annie, tính đến cuối tháng 4/2017, Grab có 42,7 triệu lượt download trên nền tảng iOS và Android ở khu vực Đông Nam Á, trong khi đó hai đối thủ gần nhất chỉ có số lượt download ở mức 24,9 triệu và 20,2 triệu lượt. Trước việc số liệu thực tế ghi nhận của nhà báo Nadine Freischlad chỉ bằng phân nửa số liệu phía Go-Jek công bố, ông Nadiem Makarim đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Mới đây, khoảng đầu tháng 9, hãng nghiên cứu ABI Research đã công bố báo cáo cho thấy Grab mới là “bá chủ” thị trường quê nhà của Go-Jek khi chiếm tới 62% thị phần (tính đến tháng 6/2018), dẫn đầu thị trường gọi xe công nghệ Indonesia. Báo cáo của App Annie cũng cho thấy năm 2017, Go-Jek đã rớt khỏi Top 10 ứng dụng được download nhiều nhất trên cả nền tảng iOS và Google Play tại thị trường Indonesia.
Lý giải về việc các ứng dụng gọi xe công nghệ tự nâng số liệu thị phần của mình cao hơn so với thực tế, một chuyên gia cho biết việc nâng số liệu thị phần sẽ giúp Startup thu hút vốn đầu tư tốt hơn, với profile “đẹp” hơn và Startup có giá hơn khi gọi vốn. Điều này cũng có lợi cho các nhà đầu tư khi họ có thể exit với mức giá cao hơn.
Theo Quang Vinh