Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Thời gian triển khai Chương trình phục hồi khoảng 2 năm và có thể kéo dài thêm…

Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là một trong những vấn đề được giới truyền thông đặc biệt quan tâm, đặt trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang dần phục hồi để trở lại trạng thái bình thường mới…

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương trả lời tại họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo; dự kiến sẽ được trình lên Quốc hội tại phiên họp bổ sung vào cuối năm nay.

Nội dung Chương trình tập trung vào 5 nhóm giải pháp chủ yếu: y tế; an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình; kích thích đầu tư công và cải cách hành chính. “Về cơ bản, 5 nhóm giải pháp này đã đủ mạnh và bao hàm tất cả các lĩnh vực cần hỗ trợ cũng như cấu trúc của nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh và phát triển sau khi kiểm soát được đại dịch trên cơ sở vẫn đảm bảo an sinh xã hội, kiểm soát lạm phát, tạo việc làm và phát triển nguồn nhân lực bền vững” – Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Xoay quanh yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế phải có giải pháp đủ mạnh, thời gian đủ dài, quy mô đủ lớn, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết về thời gian, Bộ KH&ĐT đã báo cáo Chính phủ thời gian áp dụng Chương trình khoảng 2 năm (2022 – 2023) và có thể kéo dài thêm tùy vào diễn biến của dịch bệnh cũng như kết quả triển khai của một số giải pháp.

Đơn cử với dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025. Do đây là dự án có tổng mức đầu tư rất lớn và thời gian triển khai dài nên rất khó có thể hoàn thành trong vòng 2 năm. Chính vì vậy thời gian triển khai dự án sẽ gắn với mục tiêu phát triển và chủ yếu tập trung trong năm 2022, 2023. “Ba yêu cầu “giải pháp đủ mạnh, thời gian đủ dài, quy mô đủ lớn” mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu giải pháp đủ mạnh thì lại tốn kém chi phí, còn nếu kinh phí hạn chế thì thời gian triển khai lại bị kéo dài…” – ông Phương nhận xét.

Về câu hỏi của các phóng viên xoay quanh quy mô của Chương trình chính sách tài khóa tiền tệ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần cho biết ông chưa thể đưa ra trả lời do ở thời điểm hiện tại quy mô của gói hỗ trợ vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ chắc chắn một điều là công cụ để thực hiện các giải pháp của Chương trình phục hồi chủ yếu tập trung vào công cụ tài khóa và tiền tệ, kết hợp với các công cụ khác như: huy động các quỹ ngoài ngân sách, quỹ của doanh nghiệp, sự tham gia của khu vực tư nhân…

Thế Mạnh