Thông tư 19 góp phần hoàn thiện chính sách thanh toán biên mậu Việt – Trung

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 19/2018/TT – NHNN (gọi tắt Thông tư 19) hướng dẫn quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Chính thức có hiệu lực từ ngày 12/10/2018, Thông tư 19 được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện chính sách thanh toán biên mậu, qua đó tạo động lực thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới song phương Việt – Trung ngày càng phát triển.

Thông tư 19 được ban hành nhằm hướng dẫn Nghị định 14/2018/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định 14) ngày 23/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới. Ngoài ra Thông tư được ban hành nhằm thay thế Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN ngày 07/6/2004 của Thống đốc NHNN ban hành quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc; đồng thời sửa đổi, bổ sung Điều 1 “Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng” Thông tư số 33/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của NHNN hướng dẫn thủ tục chấp thuận hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt của các ngân hàng được phép.

Như đã biết, Nghị định 14 quy định hoạt động thương mại biên giới bao gồm: hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân; hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới và tại chợ biên giới. Còn Thông tư 19 quy định chi tiết về đồng tiền được sử dụng trong thanh toán đối với hoạt động thương mại biên giới. Cụ thể đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, các thương nhân Việt Nam, Trung Quốc  được sử dụng ngoại tệ tự do chuyển đổi và đồng bản tệ (Việt Nam đồng – VNÐ, nhân dân tệ – CYN) để thanh toán; đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của cư dân biên giới và tại chợ biên giới, đồng tiền được sử dụng trong thanh toán là đồng bản tệ CNY, VND.

Về phương thức thanh toán, thanh toán qua ngân hàng là phương thức thanh toán chủ yếu áp dụng đối với hoạt động thương mại biên giới. Thông tư 19 cũng quy định phương thức thanh toán bằng tiền mặt (CNY, VND) đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới của thương nhân Việt Nam và thanh toán bằng VND tiền mặt đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vục của cư dân biên giới và tại chợ biên giới. Ngoài ra Thông tư 19 còn quy định cụ thể trách nhiệm của NHNN chi nhánh tỉnh biên giới, ngân hàng được phép cũng như của cá nhân, thương nhân và tổ chức khác nhằm giám sát, quản lý chặt chẽ, có hiệu quả đối với hoạt động quản lý ngoại hối trong thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

Phó Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối (NHNN) Nguyễn Ngọc Minh cho biết theo quy định tại Quyết định số 689/2004/QĐ-NHNN, cơ chế thanh toán bằng đồng bản tệ đã được triển khai thực hiện từ năm 2004. Việt Nam có 7 tỉnh có đường biên giới giáp với Trung Quốc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên) và chỉ có những khu vực biên giới tại các tỉnh này mới được phép dùng đồng VND, CNY để thanh toán đối với hoạt động thương mại biên giới. “Thông tư 19 đi vào thực thi được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện chính sách thanh toán biên mậu, qua đó tạo động lực thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới song phương Việt – Trung ngày càng phát triển” – ông Minh nhấn mạnh.

Một số nội dung chính của Thông tư 19

A. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định các nội dung liên quan đến quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc, bao gồm:

a) Thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới của thương nhân;

b) Thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của cư dân biên giới;

c) Thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ tại chợ biên giới;

d) Các hoạt động ngoại hối khác quy định tại Chương IV Thông tư này.

2. Việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam (VND) tiền mặt và Nhân dân tệ (CNY) tiền mặt của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về mang ngoại tệ tiền mặt, VND tiền mặt khi xuất cảnh, nhập cảnh.

B. Đối tượng áp dụng                      

1. Thương nhân Việt Nam, thương nhân Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

2. Cư dân biên giới Việt Nam, cư dân biên giới Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

3. Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối tại Việt Nam (sau đây gọi là ngân hàng được phép).

4. Chi nhánh của ngân hàng được phép đặt tại vùng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc (sau đây gọi là chi nhánh ngân hàng biên giới).

5. Tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế, tổ chức cung ứng dịch vụ ở khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế, tổ chức kinh doanh kho ngoại quan tại vùng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc.

6. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động thanh toán trong thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

C. Đồng tiền thanh toán

Đồng tiền thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc của thương nhân là ngoại tệ tự do chuyển đổi, VND hoặc CNY.

D. Phương thức thanh toán

1. Thanh toán qua ngân hàng, bao gồm:

a) Thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi qua ngân hàng được phép theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối;

b) Thanh toán bằng CNY qua chi nhánh ngân hàng biên giới;

c) Thanh toán bằng VND qua chi nhánh ngân hàng biên giới.

2. Thanh toán bằng VND tiền mặt hoặc CNY tiền mặt.

3. Thanh toán phần chênh lệch trong giao dịch bù trừ hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của thương nhân.

E. Thanh toán bằng VND tiền mặt hoặc CNY tiền mặt

1. Thương nhân Việt Nam được thu VND tiền mặt hoặc CNY tiền mặt từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại biên giới và nộp vào tài khoản thanh toán mở tại chi nhánh ngân hàng biên giới.

2. Nguyên tắc nộp tiền mặt vào tài khoản:

a) Nguồn thu tiền mặt từ mỗi hợp đồng xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chỉ được nộp vào 01 (một) tài khoản thanh toán (bằng VND hoặc CNY) mở tại chi nhánh ngân hàng biên giới;

b) Thương nhân Việt Nam khi nộp tiền mặt vào tài khoản có trách nhiệm xuất trình chứng từ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình cho chi nhánh ngân hàng biên giới, bao gồm:

(i) Bản chính hợp đồng xuất khẩu hàng hóa hoặc bảng kê bán hàng;

(ii) Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đã được xác nhận trên hệ thống hàng đã qua khu vực giám sát hải quan in ra từ hệ thống thông quan tự động. Trường hợp hàng hóa của thương nhân Việt Nam được xuất khẩu thông qua cư dân biên giới thì nộp tờ khai xuất khẩu hàng hóa cư dân biên giới đã được Chi cục hải quan cửa khẩu xác nhận;

(iii) Tờ khai nhập cảnh – xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số CNY tiền mặt mang vào Việt Nam trong thời hạn 7 (bảy) ngày kể từ ngày nhập cảnh ghi trên tờ khai nhập cảnh – xuất cảnh (đối với trường hợp nộp CNY tiền mặt).

3. Trên cơ sở kiểm tra các chứng từ quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, chi nhánh ngân hàng biên giới đóng dấu xác nhận số tiền thương nhân Việt Nam đã nộp vào tài khoản trên bản chính hợp đồng xuất khẩu hàng hóa hoặc bảng kê bán hàng.

* Ngoài các nội dung nêu trên, Thông tư cũng quy định cụ thể hoạt động sử dụng tài khoản CNY, VND của thương nhân, cư dân biên giới kinh doanh tại chợ biên giới, cư dân biên giới Việt Nam có hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ với cư dân biên giới Trung Quốc nhằm tạo cơ sở pháp lý để thương nhân, cá nhân thực hiện; quy định một số hoạt động ngoại hối khác như hoạt động ủy thác thanh toán bằng đồng CNY, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu CNY tiền mặt và VND tiền mặt; đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới, ngân hàng được phép cũng như của cá nhân, thương nhân và tổ chức khác nhằm giám sát, quản lý chặt chẽ, có hiệu quả đối với hoạt động quản lý ngoại hối trong thương mại biên giới Việt – Trung.

Theo : Nguyễn Cường