Thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ – Trung đối mặt với nguy cơ tan vỡ

Thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ-Trung vừa đạt được chưa bao lâu lại bắt đầu đối mặt với rủi ro lớn khi xuất hiện hàng loạt biến số khó lường, đe dọa có thể phá tan bầu không khí hòa hoãn bất cứ lúc nào.

Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Osaka – Nhật Bản vào cuối tháng 6 vừa qua, bầu không khí căng thẳng thương mại giữa hai nước Mỹ – Trung có phần dịu bớt. Tổng thống Donald Trump có vẻ nhượng bộ trong các chính sách đối với Trung Quốc khi đưa ra quyết định không áp thuế bổ sung 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 325 tỷ USD, bao gồm điện thoại, máy tính và hàng may mặc. Ngoài ra ông Trump còn tuyên bố nới lỏng lệnh cấm đối với công ty viễn thông Trung Quốc thông qua quyết định cho phép các công ty Mỹ bán sản phẩm cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, miễn là các sản phẩm đó không đe dọa đến an ninh quốc gia.

Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế nhận định bầu không khí căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này chỉ tạm dịu lại trong thời gian qua và giờ đây lại tiếp tục đối mặt với rủi ro lớn bởi đàm phán thương mại Mỹ-Trung không những không có chút tiến triển nào mà ngược lại, cả hai sự nhượng bộ của ông Trump đều xuất hiện biến số.

Thứ nhất, tại một cuộc họp diễn ra hôm 16/7 ở Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố chỉ cần Mỹ muốn, 325 tỷ USD hàng hoá còn lại của Trung Quốc có thể sẽ bị áp thuế. Trước đó 1 ngày, tức ngày 15/7, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy thuế quan của Mỹ đang có “ảnh hưởng lớn”, đồng thời cảnh báo rằng Washington có thể gia tăng sức ép đối với Bắc Kinh trong bối cảnh cuộc đàm phán thương mại diễn tiến chậm chạp.

Trong một động thái khác nhằm gia tăng sức ép lên Trung Quốc, ông Trump dự kiến sẽ ký một sắc lệnh tăng ngưỡng hàm lượng sắt, thép nội địa trong các chương trình mua sắm liên bang. Sắc lệnh này sẽ tăng ngưỡng hàm lượng sắt, thép nội địa từ 50% lên 95%, trong bối cảnh Washington đang lo ngại về sản lượng thép quá dồi dào của Trung Quốc – nước sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Xoay quanh nhượng bộ thứ hai của ông Trump, ngày 16/7, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đã trình dự luật mới nhằm ngăn ông Trump dùng lệnh cấm Huawei để mặc cả với Trung Quốc trên bàn đàm phán sắp tới. Với tên gọi Đạo luật Bảo vệ Tương lai 5G của Mỹ (Defending America’s 5G Future Act), dự luật này sẽ ngăn chặn việc rút Huawei khỏi danh sách đen của Bộ Thương mại mà không có sự đồng ý từ Quốc hội.

Thượng Nghị sĩ đảng Dân chủ – ông Chris Van Hollen nêu quan điểm cách tốt nhất để giải quyết các mối đe doạ về an ninh quốc gia từ các công ty viễn thông Trung Quốc là phải có lập trường rõ ràng và không lùi bước mỗi khi Bắc Kinh lấn tới. “Qua việc cấm các công ty Mỹ làm ăn với Huawei, chúng tôi đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến Tổng thống Donald Trump rằng chúng tôi rất coi trọng vấn đề này. Ông ấy không nên đánh đổi an ninh quốc gia khi đàm phán” – ông Chris Van Hollen nhấn mạnh.

Dễ dàng thấy được bất cứ lúc nào những biến số nêu trên cũng đều có thể phá tan bầu không khí hòa hoãn sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tại Osaka. Vì thế, đàm phán thương mại Mỹ-Trung được dự báo là sẽ còn khó khăn hơn nhiều nhưng vẫn cần phải tiếp tục bởi cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này đều có nhu cầu “kiếm thang bước xuống”. Cục diện “đấu nhưng không phá” trong quan hệ Mỹ-Trung xem ra rất khó thay đổi.

Thái Hòa