Thị trường nội địa – “Cứu cánh” cho doanh nghiệp cá tra sau đại dịch
Thời gian qua dịch Covid – 19 đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung – xuất khẩu cá tra nói riêng. Trong bối cảnh khó khăn chung, thị trường nội địa với 100 triệu dân lại trở thành “cứu cánh” giúp kích thích sản xuất và gia tăng tiêu thụ cho con cá tra.
Mặc dù đã xuất khẩu đi 119 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới song ngành hàng cá tra Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi thị trường xuất khẩu có thêm nhiều rào cản, sản xuất trong nước gặp bất lợi với giá thành lao dốc không phanh, nhu cầu thị trường bị thu hẹp. Theo thống kê Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng cá tra ước 462.000 tấn, giảm 6,3% so cùng kỳ 2019; xuất khẩu chỉ đạt 456 triệu USD, giảm 39,1%; trong đó thị trường Trung Quốc giảm 48%, sang EU giảm 47,3%, sang Mỹ giảm 19,8%… Dịch bệnh hoành hành, các nước hạn chế nhập khẩu khiến cá tra bị tồn kho với khối lượng lớn, đẩy các doanh nghiệp vào thế khó. Nhiều doanh nghiệp mất đơn hàng, đứt đoạn sản xuất, nguy cơ nợ quá hạn và thiệt hại lớn về kinh tế. Ngoài ra khó khăn trong hiện tại cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế, thương hiệu và sự phát triển bền vững của ngành hàng cá tra Việt Nam.
Để đưa ngành hàng cá tra dần đi qua khó khăn và đạt đến trạng thái hồi phục hoàn toàn, giải pháp trọng tâm là vừa tập trung phát triển thị trường tiêu thụ nội địa vừa đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá, phát triển kênh bán hàng mới; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra chất lượng cao…
Ông Võ Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết các nghiên cứu trước đây cho thấy con cá tra chiếm 10% thị phần nội địa và gần đây chỉ còn 5%. Việc chiếm lĩnh được thị trường trong nước sẽ mang lại những lợi ích thiết thực, giúp bà con nông dân có thêm thị trường tiêu thụ tiềm năng phòng khi bị ép giá hay thị trường nước ngoài gặp bất trắc.
Nhận thức được điều này, từ năm 2017 Bộ NN&PTNT đã đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, xúc tiến cho con cá tra thông qua các hội chợ, phiên chợ được tổ chức thường niên nhằm đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng này tại thị trường nội địa, nhất là thị trường các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên đến nay lượng tiêu thụ cá tra tại khu vực phía Bắc vẫn chưa nhiều nên các chuyên gia khuyến nghị bên cạnh hoạt động xúc tiến, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra cũng cần quan tâm tìm hiểu thị hiếu của khách hàng miền Bắc; đẩy mạnh hoạt nghiên cứu để có thể nuôi được con cá tra có độ dai, độ săn chắc, thịt thơm ngon phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng.
Ở khía cạnh quản lý nhà nước, để đạt kết quả cao nhất trong bối cảnh dịch Covid – 19, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và người nuôi cá tra đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết, sản xuất theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng dư nguồn cung cá nguyên liệu hoặc thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Ngành tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng con giống; trong đó chú trọng đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu, chọn tạo giống cá tra có khả năng sinh trưởng, phát triển trong điều kiện nước mặn; tiếp tục cung cấp đàn cá tra bố mẹ được nâng cao chất lượng di truyền cho các trại giống. Toàn ngành cũng theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh; đáp ứng yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia để sẵn sàng nguồn hàng ngay khi có thời cơ; đa dạng hóa sản phẩm theo từng phân khúc thị trường; đồng thời tập trung xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu – nhà máy chế biến – cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin, có kết nối với hệ thống quản lý ao nuôi của cơ quan quản lý thủy sản.
Hùng Điệp