Thị trường M&A khách sạn đang dần hấp dẫn trở lại
Kinh doanh khách sạn và du lịch giải trí là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid – 19, với việc thực hiện quy định cách ly xã hội và những lo ngại về sức khỏe đã hạn chế số lượng du khách. Lượng khách quốc tế sụt giảm kéo theo các tài sản khách sạn toàn cầu cũng bị định giá giảm từ 10-30%, đặc biệt thị trường châu Á Thái Bình Dương bị định giá giảm tới 30%.
Tuy nhiên ngay cả khi bị thẩm định giảm giá trị, chủ các khách sạn vẫn không chịu “nhả hàng” mà quyết tâm cầm cự chờ đến khi nền kinh tế dần phục hồi. Trường hợp không trụ được nữa, họ thường thỏa thuận giảm giá bán ở mức phổ biến 10%.
Sau năm 2020 đầy khó khăn do tác động của dịch bệnh, các nhà đầu tư đã dần bị thị trường M&A khách sạn hấp dẫn trở lại do giá bán tài sản được điều chỉnh khá mạnh. Thêm vào đó tiến độ tiêm ngừa vaccine Covid – 19 đang được đẩy mạnh cùng với sự dồn nén nhu cầu đi du lịch của người dân dự kiến sẽ tạo ra một đợt bùng nổ lớn về tham quan, giải trí ngay khi đại dịch được kiểm soát.
Theo Báo cáo Triển vọng đầu tư khách sạn toàn cầu năm 2021 của JLL, 70% các nhà đầu tư sẽ nhắm mục tiêu vào các khách sạn ở châu Á – Thái Bình Dương. Trong năm 2021 này, khối lượng đầu tư khách sạn toàn cầu dự kiến đạt 35 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái
Ông Nihat Ercan – Giám đốc Điều hành Bộ phận Đầu tư của JLL Châu Á Thái Bình Dương nhận định những thông tin tích cực về việc triển khai vaccine tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cộng với dấu hiệu phục hồi ngành du lịch khiến các nhà đầu tư phải bắt đầu tính toán ngay từ bây giờ nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội thâu tóm tài sản giá tốt.
Với cú hích từ vaccine ngừa Covid – 19, các chuyên gia dự báo thị trường khách sạn sẽ phục hồi hoàn toàn năm 2024. Trong khi đó, lĩnh vực này đang chứng kiến sự gia tăng làn sóng huy động vốn. JLL cho biết các quỹ đầu tư mạo hiểm đang dành sự quan tâm lớn cho thị trường M&A khách sạn, thể hiện qua nhiều chiến lược khác nhau, từ thu mua cổ phần truyền thống cho đến cho vay cấp cao, cho vay lãi suất thấp.
Trong năm 2020, vốn huy động được từ quỹ đầu tư chảy vào thị trường khách sạn đạt 24,5 tỷ USD, cùng mức với năm 2016. Với tiềm lực tài chính vững vàng, chắc chắn các quỹ đầu tư mạo hiểm được vốn hóa tốt sẽ tạo nên làn sóng mạnh mẽ, thúc đẩy số lượng lớn các giao dịch trong năm 2021. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại vẫn còn một số trở ngại, đặc biệt là chưa có sự đồng nhất về mức giá giao dịch giữa chủ sở hữu và nhà đầu tư.
Ông Peter Harper – Giám đốc Điều hành Khách sạn của JLL cho rằng rất khó để có thể dự báo khi nào các tài sản khách sạn sẽ được rao bán trên thị trường bán. Tuy nhiên cho đến khi cuộc khủng hoảng được kiểm soát, các quỹ đầu tư mạo hiểm và nhóm cá nhân có giá trị ròng cao vẫn sẽ có nhiều cơ hội gia nhập thị trường tiềm năng này bởi trong bối cảnh khó khăn hiện nay, hầu hết các chủ nhà đều cần sự hỗ trợ về tài chính hoặc chỉ có thể cầm cự được dựa vào vốn vay ngân hàng. Đối với nhiều nhà đầu tư, việc mua lại khách sạn còn đi kèm với những đổi thay trong phương thức quản lý tài sản nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu của người tiêu dùng cũng như sẵn sàng cho sự phục hồi trở lại của ngành du lịch giai đoạn hậu Covid-19.
Trang Anh