Tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hướng đến xuất khẩu bền vững

Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2018-2022 Bộ Công Thương tập trung triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tiêu thụ sản phẩm cho cộng đồng DN, nhất là DNNVV.

Trong đó một trong những hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực là hướng dẫn, hỗ trợ DNNVV tham gia chuỗi phân phối trong nước; được cụ thể hóa tại  Công văn số 10050/BCT-TTTN ngày 11/12/2018 của Bộ Công Thương về hướng dẫn DNNVV tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước. Đến tháng 6/2019, Bộ Công Thương có Văn bản số 4012/BCT-TTTN gửi Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và truyền thông, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai nội dung Công văn 10050/BCT-TTTN của Bộ Công Thương; qua đó giúp nhiều DNNVV tại các tỉnh, thành trên cả nước có thể chủ động tiếp cận thông tin, tham gia vào chương trình, đề án do Bộ Công Thương chủ trì.

Cùng với các hoạt động phát triển thị trường trong nước, nhiều chương trình, đề án, dự án kết nối cung cầu cũng được Bộ Công Thương tích cực triển khai như: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020″; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm…Xây dựng và triển khai các nền tảng, chương trình hỗ trợ kết nối; các hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) để hỗ trợ DN tiếp cận khách hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm như: xây dựng TMĐT ứng dụng công nghệ blockchain; tổ chức Chương trình ngày hội mua sắm trực tuyến Online-Friday…Ngoài ra để giúp DNNVV Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ Công Thương còn đẩy mạnh hợp tác chiến lược với một số tập đoàn quốc tế lớn trong lĩnh vực TMĐT như: Amazone; Alibaba…; thường xuyên tổ chức các chuỗi hội thảo, các chương trình đào tạo TMĐT xuyên biên giới để nâng cao nhận thức và kỹ năng bán hàng, giúp các DNNVV nắm bắt và tận dụng tối đa các cơ hội có được để vươn ra thị trường quốc tế.

Thông qua nỗ lực kết nối của Bộ Công Thương; sự phối hợp hỗ trợ của các bộ, ban ngành, địa phương đã giúp các DNNVV tiết kiệm được chi phí xúc tiến thương mại mà vẫn duy trì và phát triển tốt quan hệ với đối tác tại các tỉnh, thành trong cả nước. Điều quan trọng là DNNVV có cơ hội thúc đẩy sự hiện diện của hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối bán lẻ hiện đại tại nhiều địa phương; xây dựng chuỗi mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn áp dụng hệ thống quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm tiên tiến như HACCP, ISO 22000, GMP, GAP, SSOP… cho các cơ sở kinh doanh và phổ biến rộng rãi mô hình này.

Cùng với nỗ lực kết nối cung – cầu hàng hóa, hỗ trợ DNNVV tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, giai đoạn 2018-2022 Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ DNNVV kết nối, đưa hàng vào hệ thống phân phối lớn trên thế giới nói chung và trong khuôn khổ Đề án “Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng lưới phân phối nước ngoài đến năm 2020”. Thông qua các chương trình: giới thiệu sản phẩm tại các nước Nam Phi, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines…; Tuần hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối; Hội thảo kết nối giao thương B2B…, hàng hóa của các DNNVV Việt Nam đã được đưa vào tiêu thụ rộng rãi tại hệ thống siêu thị các nước trong khu vực. Riêng tại khu vực châu Âu, Bộ phối hợp với các kênh phân phối lớn của Pháp (Casino, Rungis), Italia (Conad, CooItalia), Séc (Makro)… để tổ chức các sự kiện Tuần hàng Việt Nam và kết nối giao thương; tại khu vực châu Mỹ, từng bước tiếp cận các hệ thống phân phối như: Walmart, Amazon (Mỹ), tại khu vực châu Á, phối hợp với các nhà phân phối tại khu vực như: Central Group (Thái Lan); Aeon (Nhật Bản); Emart (Hàn Quốc)… để tổ chức các sự kiện Tuần hàng Việt Nam tại các trung tâm thương mại lớn của các nhà phân phối.

Với bệ phóng là các hoạt động kết nối, đưa hàng Việt vào kênh phân phối nước ngoài của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua một số hệ thống phân phối nước ngoài có mặt tại Việt Nam đã có sự gia tăng ấn tượng. Điều quan trọng là các DNNVV trong nước đã dần ý thức được vai trò, tầm quan trọng và tính hiệu quả của việc đưa hàng vào hệ thống phân phối hiện đại – một trong những phương thức kinh doanh thương mại tất yếu của thời đại công nghệ số; đồng thời hiểu rõ hơn về đặc điểm, nhu cầu tiêu dùng cũng như tiêu chuẩn của từng thị trường, từ đó định hướng DN xuất khẩu theo hướng bền vững, từng bước khẳng định vị thế hàng Việt Nam trên thương trường quốc tế

Quốc Trung