Thêm một ngân hàng sụp đổ, hệ thống tài chính Mỹ lung lay
Sau những nỗ lực duy trì tồn tại bất thành, First Republic Bank chính thức tuyên bố phá sản, trở thành ngân hàng thứ ba tại Mỹ sụp đổ chỉ trong vỏn vẹn hai tháng (sau Silicon Valley Bank và Signature Bank).
Được sáng lập bởi Chủ tịch Jim Herbert vào năm 1985, đến tháng 7/2020 First Republic đã vươn lên trở thành ngân hàng lớn thứ 14 tại Mỹ với tổng cộng 80 chi nhánh phân bố ở 7 bang trên toàn nước Mỹ. Nếu như thời điểm mới đi vào hoạt động, nhân sự của First Republic chỉ vọn vẹn chưa đầy 10 người thì đến cuối năm 2022, con số này đã tăng lên hơn 7.200 người.
Tương tự Silicon Valley Bank – ngân hàng sụp đổ hồi tháng 3, First Republic chủ yếu phục vụ nhóm khách hàng giàu có. Điều này giúp First Republic tăng tiền gửi nhanh chóng nhưng cũng đồng thời là nguyên nhân khiến ngân hàng dễ sụp đổ bởi lãi suất tăng đột ngột.
Tiếp quản First Republic Bank là Ngân hàng JPMorgan – một trong những công ty tài chính lâu đời và lớn nhất thế giới. JPMorgan Chase (có trụ sở ở New York) đã giành quyền mua lại First Republic Bank trong một động thái can thiệp khẩn cấp của Chính phủ nhằm giải cứu ngân hàng này. Tuy nhiên các lỗ hổng trên bảng cân đối kế toán của First Republic Bank không thể lấp đầy và vì quá lo sợ, khách hàng đã ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng này.
Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) – đơn vị dàn xếp vụ mua bán cho biết JPMorgan sẽ tiếp quản mọi tài sản của First Republic Bank (bao gồm 173 tỷ USD tiền cho vay, 30 tỷ USD chứng khoán, 92 tỷ USD tiền gửi); đồng thời chia sẻ gánh nặng tổn thất cũng như bất kỳ khoản thu hồi nào với các khoản vay thương mại và của hộ gia đình của First Republic Bank. Cũng như nhiều ngân hàng địa phương tại Mỹ, First Republic có đến 68% tiền gửi không được bảo hiểm do vượt mức quy định 250.000 USD của FDIC.
Giám đốc điều hành Jamie Dimon cho biết hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ Mỹ, JPMorgan đã đứng ra gánh vác trách nhiệm và dàn xếp mọi thứ sau cú sụp của First Republic Bank. Sức mạnh tài chính, khả năng và mô hình kinh doanh của JPMorgan cho phép ngân hàng này có thể tiến hành cuộc đấu giá để thực hiện giao dịch theo cách giảm thiểu chi phí cho FDIC.
Vốn là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất nước Mỹ, vụ sáp nhập First Republic Bank sẽ giúp quy mô của JPMorgan ngày càng lớn mạnh hơn nữa – điều mà chính quyền Washington đã cố gắng tránh trong quá khứ. Do các hạn chế theo quy định của Mỹ, JPMorgan sẽ không thể mở rộng quy mô hơn nữa thông qua việc M&A trong các trường hợp bình thường.
Trong một tuyên bố mới đây, JPMorgan cho biết họ sẽ đạt được khoản lãi sau thuế 2,6 tỷ USD từ việc mua lại First Republic nhưng dự kiến sẽ chi khoản chi phí 2 tỷ USD cho công cuộc tái cơ cấu ngân hàng này trong 18 tháng tới.
Hiện tại trong tổng số 92 tỷ USD tiền gửi tại First Republic Bank có 30 tỷ USD mà JPMorgan và các ngân hàng lớn khác của Mỹ đã gửi để hỗ trợ thanh khoản cho họ hồi tháng trước và khoản tiền này sẽ được hoàn trả lại. Marianne Lake và Jennifer Piepszak – hai CEO mảng ngân hàng tiêu dùng và cộng đồng của JPMorgan sẽ chịu trách nhiệm quản lý First Republic.
Thế Mạnh