“Mảng xám” xuất nhập khẩu trong bức kinh tế 4 tháng đầu năm

Thông tin từ Tổng cục Thống kê (GSO), trong tháng 4/2023 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái; tương tự kim ngạch nhập khẩu ước đạt 26 tỷ USD, giảm 20,5%

Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu cả nước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm; trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 96,1 tỷ USD, chiếm 88,5%. Tương tự tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 102,22 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 95,64 tỷ USD, chiếm 93,6%.

Tính chung 4 tháng, Việt Nam xuất siêu 6,35 tỷ USD, cao hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái (2,35 tỷ USD). Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu hơn 8 tỷ USD; còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu gần 14,4 tỷ USD.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của biến động toàn cầu, lạm phát tăng cao, sức mua kém…nên những tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực như điện tử, máy tính, điện thoại, linh kiện, dệt may…có dấu hiệu đi xuống. Chưa kể bối cảnh khó khăn chung, nhiều quốc gia tích cực áp dụng điều tra phòng vệ thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước khiến hoạt động xuất khẩu khó chồng thêm khó.

Bộ Công Thương cho biết giá cả hàng hóa xuất khẩu không tăng, trong khi chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao khiến sức cạnh tranh của sản phẩm bị sụt giảm đáng kể, các doanh nghiệp chỉ còn biết sản xuất cầm chừng để tránh rủi ro.

Trước đó tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra vào đầu tháng 4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp ngành, địa phương ráo riết vào cuộc tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, điều kiện kinh doanh… tạo động lực thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.

Bên cạnh “mảng xám” xuất nhập khẩu, bức tranh kinh tế trong nước 4 tháng đầu năm cũng có nhiều “gam màu sáng”. Trong tháng 4/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 510.000 tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng 3 và tăng 11,5% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế 4 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 26,7% so với 4 tháng đầu 2019 – năm trước khi xảy ra đại dịch.

Việt Mai