The Daily Signal: “Việt Nam cần được coi là một đối tác kinh tế chiến lược ngày càng quan trọng của Hoa Kỳ…”
Theo tờ The Daily Signal, sau 25 năm bình thường hóa quan hệ (1995 – 2020), hợp tác kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ không ngừng thăng hoa và được nâng lên tầm đối tác chiến lược, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư
Báo cáo năm 2021 của Vụ Khảo cứu Quốc hội Hoa Kỳ cho thấy năm 2020 là năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt mốc 90 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2019. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, trong khi đó Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.
Trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, Việt Nam đã cho thấy sự tăng trưởng ổn định cả về quy mô lẫn sự tự do kinh tế. Đặc biệt năm 2020 khi nền kinh tế thế giới chìm trong cơn suy thoái do tác động của dịch bệnh Covid-19, Việt Nam vẫn là nền kinh tế châu Á có hiệu suất cao nhất với tăng trưởng GDP đạt 2,9% và thuộc số ít các nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm đầu tiên đại dịch xuất hiện
Động lực tăng trưởng này không chỉ đến từ lĩnh vực sản xuất đang bùng nổ của Việt Nam mà còn xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của thế giới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra không thể không kể đến sự năng động của Việt Nam khi mở toang cánh cửa hội nhập với thương mại quốc tế, tích cực tham gia các hiệp định thương mại song phương lẫn đa phương với các quốc gia trên thế giới. Điển hình trong năm 2019, Việt Nam cùng lúc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và ký kết Hiệp định thương mại song phương với Liên minh châu Âu (EVFTA)
Bước sang năm 2020, đất nước hình chữ S tiếp tục ghi dấu ấn khi trở thành một trong những thành viên đầu tiên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia thành viên, bao gồm 10 nước Đông Nam Á và Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc. Các nền kinh tế tham gia RCEP chiếm tới hơn 25% GDP toàn cầu và một nửa dân số thế giới.
Đặc biệt với sự cải thiện đáng kể về sức khỏe tài chính, Chỉ số tự do kinh tế (Index of Economic Freedom) của nền kinh tế Việt Nam ngày càng thăng hạng. Theo bảng xếp hạng do Quỹ Di sản (Heritage Foundation) vừa công bố, năm 2021 là lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình”, tăng 2,9 điểm và thăng 15 bậc so với năm 2020, trở thành nền kinh tế đứng thứ 90/178 về tự do kinh tế, đứng thứ 17 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Những nỗ lực tự do hóa nền kinh tế của Việt Nam rất đáng khen ngợi và đặc biệt nổi trội so với các nước có vị thế tương tự trong khu vực. Những cải cách đang diễn ra trong các trụ cột chính của tự do kinh tế, đã kéo theo những tiến bộ rõ rệt trong việc đảm bảo quyền sở hữu tư nhân và mở cửa thị trường.
Trong 27 năm công bố Chỉ số tự do kinh tế, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sự cải thiện đáng kể về điểm số, tốt hơn nhiều so với các quốc gia khác, nhất là trong các hạng mục về tự do đầu tư và tài chính. “Đó chính là lý do khi Việt Nam tiếp tục áp dụng các nguyên tắc thị trường tự do hơn, Việt Nam cần được coi là một đối tác kinh tế chiến lược ngày càng quan trọng của Hoa Kỳ. Đặt trong bối cảnh các mối quan hệ kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang có những đổi thay chóng mặt, Hoa Kỳ cần đảm bảo rằng họ sẽ tích cực hơn trong việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia cùng chí hướng” – tờ The Daily Signal nhận định.
Nhật Anh