ASEAN-EU: Tiến tới nâng cấp quan hệ “đối tác đối thoại” lên “đối tác chiến lược”

Sau 44 năm thiết lập quan hệ, ASEAN và EU đã đi đến thống nhất nâng cấp quan hệ “đối tác đối thoại” lên “đối tác chiến lược”. Đây được xem là cột mốc hết sức quan trọng, đồng thời cũng là quyết định hợp lý bởi cái “bắt tay” chiến lược này sẽ giúp khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN cũng như quyền tự chủ chiến lược của EU.

Đối tác chiến lược và tương lai giữa EU – ASEAN

Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-EU có thể coi là sự hợp nhất của một loạt các thỏa thuận hợp tác và các mục tiêu chung hiện nay, bao gồm: hợp tác kinh tế và sự hỗ trợ liên tục của EU đối với hội nhập ASEAN; hợp tác về các vấn đề như ứng phó với Covid-19, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và kết nối; hợp tác hàng hải và an ninh mạng. Câu hỏi đặt ra ở đây là việc nâng tầm lên quan hệ đối tác chiến lược có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ tương lai giữa EU và ASEAN?

Thực chất định nghĩa của EU về quan hệ đối tác chiến lược vẫn chưa thực sự rõ ràng, chưa có tiêu chí cụ thể, xuất phát từ việc các quan hệ đối tác chiến lược của EU đều không đồng nhất về bản chất và xuất hiện theo kiểu đặc biệt. Tuy nhiên, chúng đã được đưa vào chính sách đối ngoại của EU, đặc biệt là kể từ Chiến lược An ninh châu Âu năm 2003 và quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-EU là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy đây là một chính sách liên tục của EU. Trong nhiều thập kỷ qua, quan hệ hợp tác EU – ASEAN tồn tại theo bản chất của một bên là nhà tài trợ và một bên là người nhận; tuy nhiên thời kỳ này có thể kết thúc với sự hợp tác kinh tế ngày càng sâu rộng, tạo nền tảng cho mối quan hệ hợp tác sâu rộng, toàn diện hơn. Dẫu vậy cho đến thời điểm hiện tại, hai khu vực kinh tế hàng đầu này vẫn chưa bắt đầu đàm phán hiệu quả một hiệp định thương mại tự do (FTA), mặc định là các FTA của EU với các quốc gia ASEAN riêng lẻ. EU cũng không có bất kỳ quan hệ đối tác chiến lược nào với các quốc gia thành viên ASEAN, không giống như quan hệ đối tác chiến lược với Nam Phi (một thành viên của Liên minh châu Phi) và Brazil (một thành viên của MERCOSUR).

Chính vì vậy việc nâng cấp quan hệ “đối tác đối thoại” lên “đối tác chiến lược” ASEAN-EU đồng nghĩa với việc nâng tầm mối quan hệ và cam kết hai bên tiến tới các cuộc gặp cấp cao. Không chỉ nỗ lực khẳng định vị thế và nâng tầm ảnh hưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, EU còn tìm mọi cách để khẳng định vai trò của mình trong các cuộc thảo luận của ASEAN liên quan đến tương lai của khối này và rộng hơn là trong cấu trúc an ninh châu Á – Thái Bình Dương. Các nhà quan sát sẽ theo dõi chặt chẽ xem liệu quan hệ đối tác chiến lược có đưa EU vào cấu trúc khu vực ở Đông Nam Á hay không. Tất nhiên, câu hỏi vẫn còn tồn tại về mong muốn trở thành thành viên của EU trong một hội nghị cấp cao quan trọng do ASEAN dẫn đầu trong khu vực – Hội nghị Cấp cao Đông Á.

Đó là với EU, còn đối với ASEAN, khối này ngày càng giữ vai trò quan trọng hơn về mặt chiến lược đối với EU. Đặc biệt việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và các đối tác thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand) được xem là một thành công lớn đối với ASEAN vì nó giúp tăng cường vai trò trung tâm của khối, đưa ASEAN trở thành một đối tác quan trọng hơn đối với EU và nâng cao khả năng đàm phán của ASEAN không chỉ với EU mà còn trong khu vực như một phần của khối thương mại đa phương. Địa chính trị hiện tại cũng có thể đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc dẫn đến quan hệ đối tác chiến lược. Việc Mỹ – dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump – rút khỏi chủ nghĩa đa phương đã tạo ra một khoảng trống ủng hộ trật tự đa phương và dựa trên luật lệ, mà EU và ASEAN có thể bù đắp phần nào. Ngoài ra sự phổ biến của các vấn đề xuyên biên giới như: đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu….cũng được xem là động lực thúc đẩy hợp tác đa phương giữa hai khối.

Yêu cầu gia tăng gấp đôi khả năng kết nối và hội nhập

Theo các chuyên gia, quan hệ đối tác chiến lược EU – ASEAN vừa giúp hai bến tránh được những thách thức lớn vừa thúc đẩy sự phù hợp của quản trị khu vực cũng như cách tiếp cận đúng đắn đối với một số vấn đề hành động tập thể. Thực tế cả EU và ASEAN đều không phải là cường quốc an ninh, chính vì vậy họ dễ dàng nhận ra việc thống nhất về các vấn đề an ninh phi truyền thống (Covid-19; các sáng kiến chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo, nước và an toàn thực phẩm; quản lý thiên tai) sẽ là hướng đi tương lai hết sức hiệu quả đối với quan hệ đối tác chiến lược này.

Đối với EU, ngay cả khi các xu hướng gần đây cho thấy ưu tiên hợp tác song phương với các quốc gia Đông Nam Á, giá trị của sự hợp tác liên khu vực và các thỏa thuận cụ thể một lần nữa được đề cao. Còn đối với ASEAN, quan hệ đối tác chiến lược cũng góp phần củng cố chiến lược rộng lớn hơn của khối này với các đối tác bên ngoài. Về mặt thương mại, sau những thành công vượt bậc trong việc bãi bỏ thuế quan để tạo thuận lợi cho thương mại, ASEAN đã và đang hướng đến xây dựng một Cộng đồng Kinh tế toàn diện. Phía EU cũng đang nỗ lực dành các hỗ trợ trong việc thiết lập tiêu chuẩn, tạo thuận lợi thương mại và các lĩnh vực khác để giúp loại bỏ các rào cản phi thuế quan. Giữa hai khu vực hiện vẫn còn rất nhiều tiềm năng kinh tế chưa được khai thác và mong muốn của EU là hướng tới đạt được thương mại tự do hoàn toàn trong khu vực này.

Dù là mong mỏi của các bên song FTA ASEAN-EU vẫn cần thêm nhiều thời gian để tiến tới đàm phán. Chính sách của EU là xây dựng các khối hợp tác cho FTA ASEAN-EU toàn diện; trong đó EU đã có FTA song phương với Singapore và Việt Nam, đồng thời đang đàm phán với Indonesia, Thái Lan và Philippines. Trong khi EU muốn đưa các lĩnh vực như cạnh tranh, mua sắm chính phủ, phát triển bền vững vào các cuộc đàm phán thì phía ASEAN lại tỏ ra rất thận trọng đối với các vấn đề này. Chung quy lại việc đàm phán các FTA thường mất rất nhiều thời gian, đơn cử như FTA ASEAN-Nhật Bản cũng phải mất hàng thập kỷ để đàm phán. Đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành như hiện nay, chiến lược của EU trong việc kết nối châu Âu và châu Á cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tuy nhiên yêu cầu cấp thiết đặt ra vẫn là gia tăng gấp đôi khả năng kết nối và hội nhập nếu muốn thấy sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong những thời gian tới.

Anh Thư