Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA

Trong khuôn khổ chuỗi Chương trình tập huấn về các cam kết trong các FTA, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ Thương mại vừa phối hợp với Văn phòng Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo chuyên đề “Tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hậu Covid-19”.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Phòng xuất xứ hàng hoá, Cục Xuất nhập khẩu – phát biểu tại hội nghị

Có thể thấy sau hơn 1 năm kể từ ngày thực thi (1/8/2020), Hiệp định EVFTA đã phát huy hiệu quả thiết thực trên cả hai khu vực. Trong 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 41,29 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, xuất khẩu đạt 28,85 tỉ USD, tăng 11,7%. Đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư quốc gia cũng như trên thế giới thì đây thực sự là một kết quả rất có ý nghĩa và rất đáng khích lệ.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Phòng xuất xứ hàng hoá, Cục Xuất nhập khẩu cho biết sau hơn 1 năm thực thi EVFTA, Việt Nam xuất siêu sang EU hơn 11 tỷ USD. Rất nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử… đã tận dụng tốt các lợi thế của Hiệp định này, nhất là các ưu đãi thuế quan. Cụ thể từ khi EVFTA có hiệu lực đến ngày 4/6/2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp 180.551 bộ C/O mẫu EUR.1, với kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 4.845 lô hàng với trị giá hơn 14,91 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Theo ghi nhận của Trưởng phòng Phòng xuất xứ hàng hoá, giá trị hàng hóa được cấp C/O cũng như được chứng nhận xuất xứ vào EU không hề nhỏ, phần nào cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang dần bắt nhịp với việc áp dụng quy tắc xuất xứ trong EVFTA. Điều quan trọng là Hiệp định đã tạo cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hoá thị trường cũng như cơ cấu mặt hàng xuất khẩu.

Nếu như trước thời điểm EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang EU có C/O EUR.1 chỉ tập trung vào các thị trường có cảng biển, trung tâm phân phối của EU thì trong hơn 1 năm đi vào thực thi, Hiệp định đã mở ra cơ hội mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ xuất khẩu có C/O EUR.1 sang toàn bộ các nước EU, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu có C/O EUR.1 tăng mạnh ở các thị trường truyền thống, có dung lượng lớn như Đức đạt 1,12 tỷ USD; Hà Lan đạt 1,04 tỷ USD; Pháp đạt 739 triệu USD.

Đến nay có thể khẳng định việc đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA thực sự là lợi thế lớn để doanh nghiệp Việt cạnh tranh tại thị trường EU với quy mô dân số trên 500 triệu dân. Tuy nhiên bên cạnh những doanh nghiệp đã tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa hiểu rõ về các quy định để tận dụng tối đa ưu đãi từ EVFTA; nhất là các quy định về xuất xứ trong Hiệp định.

Bà Hiền cho biết Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định rõ Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ – nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó. Cùng một mặt hàng do một nhà máy sản xuất, khi xuất đi các thị trường khác nhau thì quy tắc xuất xứ áp dụng là khác nhau. Hiện nay Việt Nam đã tham gia rất nhiều FTA, do đó doanh nghiệp có thể tùy chọn FTA nào có lợi nhất, mức thuế nào thấp hơn, quy tắc xuất xứ nào dễ đáp ứng để đạt mức độ thỏa mãn xuất xứ cao nhất, từ đó ưu đãi thuế sẽ tốt hơn. Quy tắc xuất xứ sẽ bảo đảm sự cân bằng giữa thuận lợi hóa thương mại và phòng tránh gian lận thương mại.

Trở lại với Hiệp định EVFTA, một số mặt hàng buộc phải có xuất xứ thuần tuý mới được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này, chủ yếu là các sản phẩm nông sản như cây trồng, rau củ, hoa quả, vật nuôi, trứng, sữa, mật ong,… Hoặc như đối với các sản phẩm may mặc, Hiệp định EVFTA quy định quy tắc xuất xứ phải được áp dụng từ vải trở đi. Điều này đồng nghĩa với các công đoạn từ dệt vải, cắt may phải được thực hiện tại các thành viên trong hiệp định thì mới được coi là có xuất xứ EVFTA và được cấp C/O. Quy định này hoàn toàn khác với quy định trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (hàng dệt may khi xuất khẩu sang Singapore thì quy tắc xuất xứ chỉ cần là vải dù được nhập khẩu từ các nước khác ngoài khu vực ASEAN nhưng sau đó công đoạn cắt may được thực hiện tại Việt Nam thì hàng hóa đó vẫn được coi là có xuất xứ từ Việt Nam). Chính vì vậy các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất cần phải tìm hiểu thật kỹ quy định xuất xứ hàng hoá của từng thị trường xuất khẩu, theo từng cam kết để có hướng đáp ứng hiệu quả, từ đó tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan.

Một bất cập nữa là hiện nay các mặt hàng phía EU có nhu cầu và Việt Nam có thể đáp ứng vẫn chưa nhiều, năng lực cạnh tranh và mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp còn hạn chế; các doanh nghiệp vẫn chưa kết hợp được xuất khẩu với hợp tác đầu tư công nghệ cao để sản xuất, phân phối sản phẩm. Để khắc phục bất cập này, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về kết quả triển khai EVFTA thời gian qua cũng như đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy việc thực thi đạt hiệu quả, trong đó chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại.

Song song đó Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, tiếp cận các thông tin và chính sách ưu đãi, đổi mới cách thức sản xuất theo hướng bền vững… Tăng cường cung cấp thông tin về thị trường, có kế hoạch phối hợp quảng bá hình ảnh thương hiệu quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA, trong đó có EVFTA…

Trung Anh