Thành phố Tây An-Trung Quốc muốn trở thành Thung lũng Silicon tiếp theo

Khi áp lực ngày càng tăng từ Mỹ thúc đẩy Bắc Kinh xây dựng công nghệ của riêng mình, thì các hệ thống ở Trung Quốc cũng đang tự mình vươn lên.

Trong bốn mươi năm qua, việc thử nghiệm các chính sách thân thiện với doanh nghiệp ở thành phố Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc đã giúp biến nơi đây tương đương với Thung lũng Silicon với những gã khổng lồ công nghệ như Tencent và Huawei. Nhưng cho đến nay, các thành phố khác vẫn chưa lặp lại thành công của Thâm Quyến.

Trong khi đó, sự cấp bách phải giành được khả năng tự cung cấp công nghệ là trọng tâm của kế hoạch phát triển 5 năm được công bố vào tháng 3 vừa qua, với các mục tiêu đầy tham vọng về nghiên cứu và phát triển trong bảy lĩnh vực công nghệ như chất bán dẫn.

Chỉ thị của trung ương yêu cầu các chính quyền địa phương nỗ lực thực hiện phần việc của mình.

Cách Thâm Quyến 4,5 giờ bay về phía bắc, thành phố Tây An có nhiều yếu tố phù hợp để đổi mới công nghệ: các trung tâm nghiên cứu hoặc sản xuất chất bán dẫn, hàng không vũ trụ và các ngành công nghệ cao khác; tài năng từ các trường đại học địa phương; và đầu tư nước ngoài đáng kể. Cả Samsung và nhà sản xuất chip Micron của Mỹ đều có các hoạt động chính ở Tây An, đây cũng là thành phố lớn phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc vào năm ngoái.

Thị trưởng Tây An Li Mingyuan cho biết trong một tuyên bố vào tháng trước với CNBC rằng đổi mới công nghệ nằm ở vị trí hàng đầu trong danh sách phát triển chất lượng cao của ông theo kế hoạch 5 năm của Bắc Kinh. Ông cho biết đến năm 2025, Tây An đặt mục tiêu đạt sản lượng trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến hơn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (153,85 tỷ USD) và hỗ trợ hơn 10.000 doanh nghiệp công nghệ cao, với tổng GDP hơn 1,4 nghìn tỷ nhân dân tệ. Đó là mức tăng trưởng khoảng 40% so với GDP của Tây An vào năm 2020.

Nhưng các nhà phân tích nói rằng nhà nước đang bóp nghẹt tiềm năng của Tây An.

Sự khác biệt lớn nhất giữa Thâm Quyến và Tây An là các doanh nghiệp chính của Thâm Quyến, trong khi Tây An cần giảm bớt vai trò của chính phủ, theo Qu Jian, Phó giám đốc Viện Phát triển Trung Quốc có trụ sở tại Thâm Quyến, cho biết.

Trong khi mỗi thành phố phải xác định con đường riêng của mình, nếu Tây An muốn đi theo con đường của Thâm Quyến, thì thị trường cần phải đóng một vai trò lớn hơn. Ông nói them rằng việc đổi mới cũng rất khó để một quốc gia có thể tự hoàn thành và sẽ hiệu quả hơn với sự hợp tác quốc tế.

So sánh sơ bộ về các công ty của hai thành phố được niêm yết trên thị trường cổ phiếu A ở đại lục cho thấy sự chênh lệch về vị thế thống trị của nhà nước. Theo dữ liệu từ Wind Information, khoảng một phần ba trong số khoảng 40 cổ phiếu có trụ sở tại Tây An do tư nhân điều hành, trong khi khoảng 2/3 của hơn 300 cổ phiếu có trụ sở tại Thâm Quyến do tư nhân điều hành.

Là một cố đô của Trung Quốc, Tây An cũng phải đối mặt với những hạn chế vật lý trong việc mở rộng đô thị do các cấu trúc và di tích lịch sử, theo Perry Wong, giám đốc điều hành nghiên cứu tại Viện Milken cho biết. Ông hy vọng khu đô thị Thành Đô-Trùng Khánh ở tây nam Trung Quốc có cơ hội tốt hơn để trở thành trung tâm đổi mới công nghệ.

Thâm Quyến “cũng được hưởng mức độ tự do chính sách cao mà không thành phố nào khác ở Trung Quốc có được,” đồng thời ông lưu ý rằng Tây An cần phải suy nghĩ sáng tạo để bắt chước kiểu tăng trưởng đó. “Bạn không thể tạo ra một bản sao của Thâm Quyến”.

Bảo Thành