Tham gia “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” – Cơ hội vàng để Việt Nam thu hút các doanh nghiệp Mỹ vào đầu tư
Nhằm tách chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc, Mỹ đang xúc tiến thành lập “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng”. Theo ghi nhận của TS. Đinh Trường Hinh – Chủ tịch Công ty Tư vấn EGAT (Virginia, Hoa Kỳ), đây chính là cơ hội vàng để Việt Nam rộng cửa đón dòng vốn đầu tư từ nền kinh tế lớn nhất thế giới….
TS. Đinh Trường Hinh cho biết hiện tại Chính phủ Mỹ đang rất muốn giảm sự lệ thuộc của các chuỗi cung ứng hoàn cầu (global value chains) vào Trung Quốc; đặc biệt đại dịch Covid-19 bùng phát đã giúp Mỹ và các quốc gia trên thế giới nhận ra rằng họ đã quá phụ thuộc Trung Quốc, nhất là trong sản xuất các đồ dùng khẩn yếu về y tế như thuốc men, vật dụng y tế…
Để tách chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc, Mỹ đang nỗ lực xem xét việc thiết lập “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” gồm “Bộ tứ kim cương” (Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ) và 3 quốc gia khác (Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand). Nhóm này sẽ thúc đẩy một chương trình nghị sự nhằm giảm đi sự lệ thuộc vào Trung Quốc trong việc đảm bảo nguồn cung nhất là trong các trường hợp khẩn cấp. Đây là cơ hội vàng để Việt Nam thu hút các doanh nghiệp Mỹ vào đầu tư vì họ sở hữu công nghệ tối tân, tác phong làm việc khoa học và không ngại chia sẻ kiến thức. “Quan trọng là chúng ta phải biết khuyến khích doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào những ngành, lĩnh vực đặc biệt mà Việt Nam đang cần để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Đó là những ngành công kỹ nghệ cao có thể đem lại giá trị sản xuất cao hơn và tận dụng trí tuệ của dân Việt Nam” – TS. Đinh Trường Hinh khuyến nghị.
Về những điều kiện cần thiết giúp Việt Nam thu hút các doanh nghiệp Mỹ vào đầu tư, người đứng đầu EGAT cho biết bên cạnh yếu tố quan trọng là mức lương (lao động, chuyên viên) thấp còn có các yếu tố quan trọng khác như: sự hiện diện của các kỹ sư có tay nghề cao, các nhà cung cấp có giá trị cao và sáng tạo để có thể đưa ra mức giá cạnh tranh; sự hiện diện của các dịch vụ hậu cần đáng tin cậy cũng như giao thông, cơ sở hạ tầng, dịch vụ điện nước…Hiện tại so với các nước khác, Việt Nam đang có nhiều ưu điểm như lao động cần cù, thông minh, mức lương thấp khiến các doanh nghiệp Mỹ rất chú ý. Tuy nhiên về lâu dài Việt Nam không thể duy trì những ưu điểm hiện tại. Trong tương lai, mức lương lao động chỉ có thể tăng lên nếu năng suất tăng lên và như vậy thì các hoạt động kinh tế phải dời đến các ngành nghề có giá trị tăng trưởng cao, dùng nhiều chất xám hơn là lắp ráp. Nếu không, khi chi phí lao động tăng, doanh nghiệp ngoại đơn giản đóng cửa nhà máy và dịch chuyển sang các quốc gia nghèo khác như Bangladesh, Campuchia…
Dưới góc nhìn của một chuyên gia, TS.Đinh Trường Hinh khuyến nghị để thu hút dòng vốn FDI vào những ngành có tay nghề cao, đầu tiên Việt Nam cần phải lập ra một bảng danh sách những sản phẩm hay phân ngành (products or subsectors) hiện đang có giá trị tăng trưởng cao để hoàn thiện chuỗi giá trị cung ứng mà một mặt khác nằm trong khả năng mình có thể sản xuất. Tiếp theo, Chính phủ phải thảo luận với các doanh nghiệp tư nhân về các rào cản hay vướng mắc khi đi vào sản xuất các sản phẩm hay phân ngành này cũng như lập ra các gói khuyến khích để thu hút FDI vào giải quyết những rào cản nầy.
Việt Nam sau đó cũng phải xem xét lại chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các hoạt động thượng nguồn và hạ nguồn của những lĩnh vực có giá trị tăng trưởng cao để hoàn thiện chuỗi giá trị cung ứng; khuyến khích doanh nghiệp FDI liên kết với các công ty trong nước qua hình thái liên doanh và đẩy mạnh liên kết hàng dọc; nâng tỷ lệ nội địa hóa và ngăn chặn đầu tư không thân thiện với môi trường. Mục đích chính là giúp các công ty tư nhân trong nước được lớn mạnh và cạnh tranh thành công trên thế giới.
Điều này đòi hỏi những cải tổ theo chiều sâu như giảm vai trò của doanh nghiệp nhà nước, đối xử bình đẳng các nhà xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp; khuyến khích phát triển các cụm sản xuất (clusters); đầu tư xây dựng các khu công nghiệp đồng bộ (plug-and-play) và các khu công nghệ; khuyến khích và tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp thông qua hợp đồng thầu phụ. “Để phát triển kinh tế bền vững, hiệu quả và tạo công ăn việc làm lâu dài cho người dân đòi hỏi Việt Nam phải quan tâm nâng cấp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các công ty gia đình, công ty tư nhân, giúp họ lớn mạnh và có đủ năng lực để cạnh tranh thành công trên thị trường thế giới. Đó là cách tăng trưởng kinh tế bền vững và lâu dài nhất” – TS.Đinh Trường Hinh nhấn mạnh.
Nhật Huy