Ngân hàng đồng hành sẻ chia khó khăn cùng người dân và doanh nghiệp

Trước diễn biến phức tạp và tác động lớn của dịch bệnh Covid – 19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại (NHTM) đã chủ động vào cuộc, khẩn trương triển khai nhiều chương trình, biện pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đa dạng hình thức hỗ trợ

Theo đó các NHTM đang tích cực triển khai các gói cho vay mới với lãi suất ưu đãi. Theo số liệu của NHNN, quy mô của gói tín dụng này hiện đã lên tới khoảng 650.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với mức đăng ký ban đầu với lãi suất cho vay thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi dịch xảy ra khoảng từ 1 – 2%. Đến nay, đã có 147.637 khách hàng được vay, với doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt khoảng 553.000 tỷ đồng.

Các ngân hàng còn thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19; đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 170.746 khách hàng với số dư nợ 128.210 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.372 khách hàng với dư nợ 28.441 tỷ đồng. Đồng thời, hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho 318.528 khách hàng với dư nợ 980.163 tỷ đồng và mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5 – 2%; thậm chí có một số ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay từ 2,5% lên tới 4%/năm so với trước khi có dịch.

Song song đó các ngân hàng cũng thực hiện chính sách miễn, giảm phí giao dịch thanh toán cho khách hàng. Nhiều loại phí được giảm từ 75 – 100% mức phí thu cũ. Kết quả, theo thống kê sơ bộ đến tháng 3/2020 đã có 44 ngân hàng đã thực hiện miễn, giảm phí giao dịch thanh toán cho khách hàng, với tổng số tiền giảm khoảng 560 tỷ đồng. Ước tính số phí giảm năm 2020 lên đến trên 1.000 tỷ đồng.

Lãi suất cho vay tiếp tục đà giảm

Bước sang tháng 5/2020, lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn tiếp tục xu hướng giảm của những tháng trước đó nhằm kích cầu tín dụng.

Bốn ngân hàng có vốn nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) giảm từ 1,5-2%/năm, với hàng chục ngàn tỷ đồng tín dụng ưu đãi. Cụ thể Vietcombank chấp nhận giảm 2.240 tỉ đồng lợi nhuận để chia sẻ với các doanh nghiệp và thực hiện giảm đồng loạt trên hệ thống từ nay đến hết ngày 30/9/2020.  Về phía BIDV, ngoài việc thực hiện cơ cấu giảm nợ cho khoảng hơn 3.300 khách hàng, miễn giảm lãi các dư nợ cũ 0,5%-1,2%/năm, ngân hàng này cũng công bố gói tín dụng cá nhân lên đến 50.000 tỷ đồng thay thế cho gói tín dụng quy mô 30.000 tỷ đồng triển khai trước đó. Với gói vay mới này, khách hàng được hưởng lãi suất hấp dẫn hơn với các kỳ hạn linh hoạt, phù hợp với từng nhu cầu vay sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Agribank thì thực hiện miễn giảm lãi và hạ lãi suất cho 27.500 khách hàng, với dư nợ 45.165 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện miễn giảm lãi cho 500 khách hàng, dư nợ 5.165 tỷ đồng; hạ lãi suất 27.000 khách hàng, dư nợ 40.000 tỷ đồng. VietinBank cũng giảm ngay lãi suất 2 – 2,5%/năm so với mức thông thường đối với các lĩnh vực thiết yếu; các lĩnh vực còn lại tùy mức độ ảnh hưởng bởi dịch, giảm từ 0,5 – 1,5%/năm.

Cùng với 4 ngân hàng nhà nước, các ngân hàng tư nhân cũng đã dành một lượng tín dụng cho vay mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh. Đơn cử HDBank tung thêm gói 10.000 tỷ đồng, lãi vay giảm 2-4%/năm cho cá nhân và doanh nghiệp nhỏ; Nam A Bank giảm thêm 2-2,5%/năm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch; OCB giảm 2%/năm lãi suất cho vay VND so với khoản vay thông thường; Ngân hàng Xây dựng thực hiện giảm lãi suất cho vay (tối đa tới 2%/năm so với mức lãi suất cạnh tranh trước đó), đồng thời tài trợ phí thẩm định tài sản, hoàn toàn miễn phí trả trước hạn khi khoản vay tròn ba năm.

Sở dĩ lãi suất cho vay của ngân hàng theo xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây do cầu vốn của khách hàng giảm mạnh vì dịch Covid-19. Mặc dù đã dành một lượng tín dụng cho vay mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh song các ngân hàng khó có thể đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Thực tế cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ nhích nhẹ trong quý đầu năm và giảm trong tháng 4/2020. Ước tính 4 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn chỉ tăng 2,22% so với đầu năm nay, trong khi huy động tiền gửi cũng chỉ tăng 0,5%.

Theo NHNN, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sụt giảm mạnh do không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới thực hiện giải pháp giãn cách xã hội, tiêu dùng và xuất khẩu đều giảm mạnh, nguyên liệu đầu vào lẫn thị trường đầu ra đều khó khăn. Thực tế này khiến các doanh nghiệp tập trung vào thu hồi vốn, trả nợ vay, không có nhu cầu vay vốn tiếp.

Tuy tăng trưởng tín dụng chậm song nợ xấu nội bảng có dấu hiệu tăng. NHNN nhìn nhận tỷ lệ nợ xấu chắc chắn tăng trong bất kỳ trường hợp nào. Kịch bản tốt nhất là dịch bệnh sớm được kiểm soát vào đầu quý II/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 2,9-3,2% vào cuối quý II/2020 và 2,6-3% vào cuối năm 2020. Vì thế, tín dụng ngành ngân hàng tăng chậm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận, song các ngân hàng sẽ không tăng tín dụng bằng mọi giá vì đã có quá nhiều bài học ở giai đoạn trước. “Bản thân các ngân hàng cũng sẵn sàng giảm lãi nhưng họ phải đảm bảo an toàn cho khoản vay và tuyệt đối không cho vay dưới chuẩn. Bởi nếu ngân hàng cho vay không có điều kiện hoặc dưới chuẩn trong bối cảnh nhiều rủi ro như hiện nay thì sẽ tạo ra nguy cơ lớn với tính an toàn của cả hệ thống”, ông Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện phát triển kinh tế Tp.HCM nhấn mạnh.

Quang Hải