Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Tp.HCM: Cần thiết hay không?
Theo các chuyên gia, mặc dù đóng góp tới 20-30% nguồn thu cả nước song tỷ lệ ngân sách Tp.HCM được giữ lại quá thấp. Do đó việc tăng 5% tỷ lệ điều tiết ngân sách không chỉ giúp giải quyết những vấn đề nội tại mà còn là nguồn vốn quan trọng để Thành phố tái đầu tư phát triển, sinh lời cho đất nước.
Tp.HCM kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho địa phương này giai đoạn 2022-2025 là 23% và giai đoạn 2026-2030 là 26%. Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tp.HCM mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết luôn ủng hộ tối đa và sẽ trình Quốc hội kiến nghị tăng tỷ lệ để lại 23% giai đoạn 2022-2025.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du – Giảng viên Đại học Fulbright cho rằng 23% ngân sách được giữ lại sẽ là khoản đầu tư sinh lời, tạo thêm nguồn thu bền vững cho Thành phố. “Trung Quốc dành nguồn lực rất lớn cho các đô thị lớn. Đơn cử chi ngân sách trong thời gian dài của Trung Quốc khoảng 23% GDP, tại các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải cũng tương đương với mức chi 20-21% GDP. Trong khi tại Việt Nam, chi tiêu ngân sách so với GDP khoảng từ 25-30%; tại các đô thị lớn như Tp.HCM chi ngân sách chỉ khoảng 6-8% GDP trong khi đóng góp ngân sách của thành phố cho Trung ương vào khoảng 27-30%. Bản chất cạnh tranh của các quốc gia là sự cạnh tranh giữa các đô thị lớn. Chính vì vậy sự phát triển của Tp.HCM – đầu tàu kinh tế lớn của cả nước cũng là chuyện cạnh tranh của quốc gia” – ông Du nhấn mạnh.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du cho rằng việc lãnh đạo Chính phủ ủng hộ tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho Tp.HCM cũng phần nào cho thấy quyết tâm của đất nước sẽ tập trung phát triển cho vùng kinh tế động lực để “miếng bánh” ngân sách to lên, góp phần vào phát triển quốc gia, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Riêng với Tp.HCM, với “miếng bánh” ngân sách hiện nay và với 5% tỷ lệ điều tiết ngân sách được giữ lại (nếu Quốc hội thông qua), ước tính mỗi năm Thành phố sẽ thêm nguồn vốn khoảng 10.000 tỷ đồng để tái đầu tư phát triển
Còn theo Tiến sĩ Trần Du Lịch – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Tp.HCM, mặc dù khoản tiền này chưa đủ cho nhu cầu phát triển với mục tiêu bao trùm đưa Tp.HCM trở thành siêu đô thị, vùng động lực kinh tế kết nối khu vực phía Nam song ít nhất cũng giúp Thành phố giải quyết được những nút thắt trước mắt về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông (đầu tư đường vành đai, tuyến đường cửa ngõ, đường trên cao, đường cao tốc liên vùng…); các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như tắc nghẽn sân bay Tân Sơn Nhất, chống ngập lụt…cũng sẽ được giải toả.
Ông Trương Văn Phước – nguyên quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia nhận xét việc tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho Tp.HCM sẽ giúp hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối giữa Thành phố với các địa phương lân cận, vốn đang trong tình trạng quá tải. Cùng với đầu tư hạ tầng, Thành phố cũng có điều kiện phát triển kinh tế số và nhân lực chất lượng cao. “Tỷ lệ điều tiết ngân sách lớn hơn thì Tp.HCM sẽ đóng góp nhiều hơn tới sự phát triển kinh tế của cả nước. Tất nhiên khi tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại cho Tp.HCM, Chính phủ cũng phải điều chỉnh lại cơ cấu thu chi ngân sách từng địa phương sao cho thật hài hòa, cân đối. Tuy nhiên trong một thời gian ngắn, cộng hưởng của chính sách này có thể bù đắp mất cân đối ngân sách tạm thời để xác lập cân đối vững chắc, tích cực hơn” – ông Phước nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, do khoản tiền có được từ tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho Tp.HCM còn ít ỏi so với nhu cầu vốn thực cho đầu tư phát triển nên Thành phố cần ưu tiên nguồn lực này cho đầu tư có trọng tâm, trọng điểm chứ không phải kiểu dàn trải. Trong đó cần ưu tiên nguồn lực cho phát triển hạ tầng Tp.Thủ Đức chứ không nên hoà chung, rót chỗ này một ít, chỗ kia một ít, rồi cuối cùng tiền bỏ ra như muối bỏ bể mà hiệu quả không thấy rõ. “Về lâu dài, ngoài nâng tỷ lệ ngân sách để lại cho TpHCM thì Chính phủ, Quốc hội cũng cần trao thêm cơ chế để Thành phố có thể tự chủ nguồn thu dành cho chi đầu tư phát triển” – ông Du nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng cơ chế tự chủ nguồn thu cho Thành phố có thể thông qua chính sách tự quyết thuế, phí như các đô thị trong khu vực Manila, Jakarta và nhiều đô thị lớn trên thế giới đang áp dụng.
Ngọc Anh