Tăng trưởng âm hai quý liên tiếp, kinh tế Mỹ liệu có suy thoái?

Thống kê của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy GDP của nước này trong quý I/2022 giảm 1,6% và quý II giảm 0,9%. Việc tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp góp phần thổi bùng lên cuộc tranh luận liệu kinh tế Mỹ có suy thoái hay không?

Người Mỹ mua sắm trong một siêu thị ở Missouri. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng có thể phải chờ đến vài tháng nữa tình trạng của nền kinh tế hàng đầu thế giới mới được định đoạt. Và nhiệm vụ quan trọng này thuộc về Cục Nghiên cứu kinh tế Quốc gia (NBER) – một tổ chức nghiên cứu tư nhân dưới sự lãnh đạo của các nhà kinh tế hàng đầu tại Mỹ. Thay vì định nghĩa suy thoái theo sự sụt giảm GDP 2 quý liên tiếp, NBER lại định nghĩa tình trạng này là sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế trên khắp cả nước, kéo dài hơn vài tháng.

Thực tế cho thấy kể từ năm 1984, cứ mỗi lần GDP Mỹ giảm ít nhất 2 quý liên tục, NBER lại tuyên bố nền kinh tế xứ cờ hoa đang trong tình trạng suy thoái. Tuy nhiên GDP không phải yếu tố chính khiến họ đi đến kết luận này bởi thời điểm tháng 6/2020, khi GDP quý II/2020 còn chưa còn kết thúc thì NBER đã khẳng định kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái với quy mô lớn kể từ tháng 2/2020, xuất phát từ sự suy giảm chưa từng có tiền lệ trong lao động và sản xuất. Đây là động thái hoàn toàn trái ngược so với các lần trước khi cơ quan này thường chờ đến cả năm, sau khi mọi người đều biết hết mới công bố.

Trở lại với thời điểm hiện nay, hầu hết các nhà kinh tế nổi tiếng đều nhận định NBER sẽ không tuyên bố Mỹ suy thoái trong nửa đầu năm 2022 bởi theo ông Mark Zandi – Kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, nguy cơ rủi ro sẽ tăng lên trong những tháng cuối năm. Còn thời điểm hiện tại chưa thích hợp để NBER tuyên bố suy thoái khi nền kinh tế Mỹ vẫn đang tạo thêm hơn 450.000 việc làm mỗi tháng, tỷ lệ sa thải thấp kỷ lục còn tình hình đầu tư và tiêu dùng vẫn rất ổn định.

Hôm 27/7, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cũng cho rằng thị trường lao động đang phát đi tín hiệu tốt về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ và nước này không hề có dấu hiệu suy thoái.

Còn theo Tim Quinlan – nhà kinh tế học tại Wells Fargo, quyết định một nền kinh tế có suy thoái hay không là việc không dễ dàng bởi ở đây không chỉ bàn đến thời gian suy thoái mà còn là mức độ, quy mô tác động của suy thoái đối với nền kinh tế. Hiện tại mức tiêu dùng tại Mỹ vẫn đang tăng và thị trường việc làm vẫn ổn định nên còn quá sớm để nói rằng chu kỳ tăng trưởng đã chấm dứt. Tuy nhiên mọi thứ đều có thể thay đổi.

Việc xác định nền kinh tế Mỹ có suy thoái hay không cũng là vấn đề chính trị quan trọng. Tuần trước, Nhà Trắng khẳng định nền kinh tế không suy thoái và minh chứng bắng các số liệu từ thị trường việc làm, tiêu dùng cho đến đầu tư, sản xuất công nghiệp, thu nhập của người lao động. “Với tín hiệu tích cực hiện nay, kể cả GDP quý II/2022 có giảm đi nữa thì kinh tế Mỹ cũng không thể suy thoái” – đại diện Nhà Trắng nhấn mạnh.

Trong cuộc họp báo hôm 28/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định dù đà tăng trưởng kinh tế của nước này đang chậm lại nhưng các chỉ số tích cực về việc làm và chi tiêu là bằng chứng cho thấy nền kinh tế số một thế giới vẫn chưa suy thoái. “Ðây không phải là một nền kinh tế đang suy thoái song chúng ta đang ở giai đoạn chuyển đổi. Tốc độ tăng trưởng dù có chậm lại song điều này cũng hoàn toàn hợp lý đặt trong bối cảnh hiện nay. Không thể đoán định được Mỹ có tránh được suy thoái trong thời gian tới hay không nhưng chúng tôi sẽ có lộ trình cụ thể để giữ thị trường lao động khởi sắc và giảm lạm phát” – bà Janet Yellen cho hay.

Các nhà phân tích cho rằng kể cả nửa đầu năm nay NBER không tuyên bố Mỹ suy thoái thì nền kinh tế này cũng còn lâu mới thoát được khó khăn bởi hàng loạt nguy cơ rủi ro như: lãi suất tăng, lạm phát kéo dài, tâm lý tiêu dùng và đầu tư đi xuống…”Hiện tất cả mọi người đều cảm thấy rất bi quan. Người tiêu dùng thì mất niềm tin rằng họ sẽ có việc làm còn doanh nghiệp thì mất niềm tin rằng họ sẽ bán được sản phẩm. Rủi ro suy thoái thời gian tới vẫn rất cao” – Mark Zandi kết luận.

Lâm Ngọc