Tăng mức độ xử phạt trong lĩnh vực thương mại điện tử để tăng tính răn đe

Nhằm phòng tránh dịch Covid 19, nhu cầu mua sắm online của người dân tăng cao, tỷ lệ thuận nguy cơ bán hàng giả hàng nhái qua thương mại điện tử (TMĐT) cũng tăng đáng kể. Bất cập ở đây là chất lượng hàng hóa buôn bán qua các sàn TMĐT lại chưa được kiểm soát tốt ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Kinh doanh qua mạng nở rộ trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát

Theo chia sẻ của ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), bên cạnh những lợi ích thiết thực mang lại, hoạt động TMĐT thời gian gần đây cũng đã xuất hiện những trường hợp lừa đảo khiến người tiêu dùng hoang man. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã lợi dụng đặc thù của hình thức mua bán online (người tiêu dùng không được trực tiếp trải nghiệm đánh giá sản phẩm trước khi thanh toán) để trà trộn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… gây thiệt hại nghiêm trọng và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Thực hiện yêu cầu tăng cường các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Công Thương, các sàn TMĐT đã hỗ trợ ưu tiên hiển thị các sản phẩm phòng dịch và nhu yếu phẩm để người dân dễ tiếp cận và mua sắm; thường xuyên kiểm tra, rà soát việc niêm yết giá nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm, gian hàng vi phạm và các hành vi gian lận như nâng giá bán, nâng giá vận chuyển,…; thông báo công khai để người bán, người mua được biết về các biện pháp xử lý và chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm. Tổng kết đến ngày 30/3/2020, các sàn TMĐT đã xử lý tổng cộng khoảng gần 16.200 gian hàng và khoảng gần 32.880 sản phẩm vi phạm. Số lượng các gian hàng và sản phẩm vi phạm được các sàn TMĐT xử lý, gỡ bỏ, đa số liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết sau gần 9 năm thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011) và các văn bản hướng dẫn đã góp phần thay đổi mạnh mẽ; đồng thời kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc nhằm tiếp tục tạo dựng sự phát triển trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Bình quân mỗi năm Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp nhận trên 1.500 khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng, trong đó trên 50% liên quan đến các giao dịch TMĐT hoặc vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Các vi phạm điển hình bao gồm: chất lượng hoàng hóa, hàng nhận được không giống với quảng cáo; thông tin sai về xuất xứ…

Đồng quan điểm, ông Đặng Hoàng Hải cho biết thủ đoạn hoạt động của đối tượng kinh doanh TMĐT ngày càng tinh vi; nhiều đối tượng không có kho hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online và giao hàng với số lượng nhỏ lẻ. Có khi trên website đăng nhiều sản phẩm, nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời…Trước thực trạng trên, khung pháp lý cho hoạt động TMĐT đang được Cục TMĐT và Kinh tế số tập trung hoàn thiện, trong đó có những giải pháp đẩy lùi vấn nạn tận dụng TMĐT để buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Cũng nằm trong mục tiêu chung đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, Bộ Công Thương đang triển khai chiến dịch thanh tra, kiểm tra ứng dụng TMĐT bán hàng hoặc kinh doanh trên website. Hoạt động này nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên các trang mua sắm và mạng xã hội. Đặc biệt ngày 28/2/2020, ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TCQLTT về việc thành lập Tổ công tác về TMĐT (Tổ 368) với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc việc tuân thủ các quy định pháp luật về TMĐT của thương nhân, tổ chức, cá nhân và các mô hình kinh doanh TMĐT.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp gồm: nâng cấp, sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT để tạo hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng; hợp tác chặt chẽ với hải quan và các cơ quan liên quan để triệt tận gốc những loại hàng hóa kém chất lượng bán tràn lan. “Cùng với các giải pháp trọng tâm trên, chúng ta phải tăng mức độ xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm để tăng tính răn đe, nếu không sẽ xảy ra hiện tượng “nhờn” luật do mức độ xử phạt quá thấp so với lợi nhuận đạt được khiến các đối tượng nhắm mắt làm liều” – Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Kim Phương