Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chình cho người thu nhập thấp

Ngày 14 tháng 11 năm 2018 tại khách sạn  Melia Hà Nội đã chính thức phát động Chương trình Đổi mới, Thực hiện và Tác động (Chương trình i3) tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ các tổ chức dịch vụ tài chính cung cấp các sản phẩm tài chính phù hợp cho người thu nhập thấp và trung bình.

Hơn 80 chuyên gia ngành tài chính toàn diện bao gồm các nhà quản lý, ngân hàng, các nhà lãnh đạo tổ chức tài chính vi mô, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính di động và các doanh nhân FinTech đã tham dự sự kiện ra mắt.

Một cuộc thảo luận sôi nổi về tầm quan trọng của tình hình tài chính được với sự tham gia của các nhà lãnh đạo từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, NHCSXH, Công ty bảo hiểm nhân thọ BIDV MetLife, MoMo (M_Service JSC) và Quỹ Châu Á, tất cả đều cam kết xây dựng và cải thiện tài chính cho tất cả mọi người.

Chương trình i3 hoạt động ở Bangladesh, Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam với mục tiêu xây dựng và cung cấp các dịch vụ tài chính cho thị trường đại chúng bằng cách sử dụng các công nghệ kỹ thuật số với những hiểu biết chuyên sâu về nhu cầu, nguyện vọng và hành vi của người có thu nhập thấp và trung bình. Chương trình hy vọng sẽ tạo ra sự tác động trực tiếp cho ít nhất 400.000 khách hàng có thu nhập thấp và trung bình. Ngoài ra, nhiều người sẽ thu được lợi ích gián tiếp, dựa trên hiệu ứng lan tỏa của chương trình.

Hoạt động chính của chương trình là hỗ trợ, hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính kỹ thuật số tại nước sở tại (gồm ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ tài chính di động, tổ chức tài chính vi mô, các công ty fintech), nhằm cung cấp các sản phẩm tài chính phù hợp với giá cả phải chăng và an toàn cho người dùng có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội.

Chương trình được thực hiện trong 36 tháng, tập trung vào làm việc với các đối tác tại địa phương (ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ tài chính di động, tổ chức tài chính vi mô và fintechs) để thiết kế và phân phối sản phẩm và dịch vụ tốt hơn theo nhu cầu của khách hàng có thu nhập thấp và trung bình bằng cách cung cấp truy cập dịch vụ tài chính chính thức cho khách hàng mới hoặc mở rộng phạm vi dịch vụ rộng hơn và sâu hơn cho khách hàng hiện tại.

Chương trình được tài trợ bởi Quỹ MetLife và được thực hiện bởi UNCDF (Quỹ Phát triển vốn của Liên Hợp quốc) và MicroSave – công ty tư vấn tài chính toàn diện quốc tế.

Cũng trong buổi lễ này đã diễn ra các  lễ ký kết MOU giữa MicroSave với Ngân hàng chính sách xã hội  Việt Nam (NHCSXH) và giữa MicroSave với MoMo (M_Service JSC). Biên bản ghi nhớ hợp tác về mặt kỹ thuật giữa MicroSave và NHCSXH ký kết dựa trên sự thống nhất về các nội dung công việc sẽ thực hiện dự án Mobile Banking giai đoạn 2 mà NHCSXH đang triển khai cùng với Quỹ Châu Á và MasterCard. Tổng chi phí MicroSave hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn dự kiến là 500.000 USD.

Ông Manoj Sharma – Giám đốc điều hành MicroSave khu vực châu Á cho rằng: “Việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức ở Việt Nam vẫn còn ít, khi mà thanh toán bằng tiền mặt đang chiếm ưu thế ở hơn 90% tất cả các giao dịch. Đặc biệt, các nhóm đối tượng có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận cơ bản các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng”.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sự tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách toàn diện đến mọi đối tượng trong xã hội. Việt Nam hiện có tỉ lệ đăng ký sử dụng điện thoại vào loại cao với 145,8%, trong đó 84% người dùng điện thoại di động ở Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh, gần 65% dân số ở trong vùng phủ sóng. Hiện tại, các giải pháp thanh toán kỹ thuật số chiếm 89% thị trường fintech Việt Nam. Đó là những điều kiện tốt để giúp các nhóm đối tượng này tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính. 

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Xuân Hòe cho biết: Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là tận dụng thành tựu công nghệ của cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 trong việc số hóa hoạt động ngân hàng. Tạo kênh tiếp cận tài chính nhanh nhất cho người dân và doanh nghiệp.

“Sản phẩm tài chính vi mô được cung cấp trên nền tảng số sẽ rất tiện lợi cho người dân vùng sâu, vùng xa, đó cũng là giải pháp chính để đưa trụ cột tài chính vi mô ở Việt Nam trở thành hiện thực trong chiến lược tài chính toàn diện quốc gia mà Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng”, ông Hòe chia sẻ.

Minh Đường