Tăng 5 bậc, Việt Nam lần đầu lọt Top 20 nước thu hút nhiều vốn FDI nhất thế giới

Đây là một trong những thông tin nổi bật tại Báo cáo đầu tư 2021 của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD).

Theo đó bất chấp tác động của đại dịch Covid-19 năm 2020, Việt Nam vẫn vươn lên hạng 19 trong Top 20 nước thu hút FDI hàng đầu thế giới với tổng vốn thu hút đầu tư đạt 16 tỷ USD, tăng 5 bậc so với năm 2019. Việt Nam cũng được đánh giá còn nhiều dư địa để cạnh tranh thu hút nguồn vốn FDI với các đối thủ lớn khác, nhất là trong xu hướng chuyển dịch sản xuất toàn cầu hiện nay.

Mặc dù tăng về thứ hạng song dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn có sự sụt giảm nhẹ, giảm 2% so với năm 2019 do đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và bất động sản – hai lĩnh vực thu hút FDI lớn nhất năm ngoái đã bị thu hẹp đáng kể. Bù lại thu hút đầu tư vào các dự án điện có sự tăng trưởng.

 Tuy nhiên nếu so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, mức sụt giảm của Việt Nam tương đối thấp. Cụ thể trong năm 2020, do tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19, dòng vốn FDI toàn cầu đã giảm tới 35%, từ mức 1.500 tỷ USD năm 2019 xuống còn 1.000 tỷ USD. Riêng vốn FDI ở khu vực Đông Nam Á – động lực tăng trưởng của FDI toàn cầu giảm tới 25% (tương đương 136 tỷ USD), với sự sụt giảm đầu tư ở tất cả các nước nhận FDI lớn nhất như: Singapore giảm 21%, Indonesia giảm 22%, Việt Nam giảm 2%….

Nhìn tổng quan có thể thấy sự sụt giảm trong vốn FDI nghiêm trọng hơn ở các nền kinh tế phát triển với mức sụt giảm tới 58%; trong khi đó FDI vào các nền kinh tế đang phát triển giảm ít hơn, chỉ ở mức 8%. Hiện các nền kinh tế đang phát triển chiếm 2/3 tổng vốn FDI toàn cầu, tăng so với mức gần 1/2 trong năm 2019.

Tác động của đại dịch đối với dòng vốn FDI toàn cầu tập trung vào nửa đầu năm 2020. Số lượng dự án mới giảm, các thương vụ mua bán sáp nhập cũng giảm khiến dòng vốn đầu tư vào cổ phần giảm hơn 50%. Ngoài ra do lợi nhuận của các doanh nghiệp đa quốc gia (MNE) trung bình giảm 36% nên thu nhập tái đầu tư của các công ty liên kết nước ngoài – một phần quan trọng của vốn FDI trong những năm bình thường cũng giảm theo.

Dự báo trong thời gian tới, đại dịch sẽ tiếp tục làm suy giảm nguồn vốn FDI ở các nền kinh tế có cấu trúc yếu và dễ bị tổn thương. Trong bối cảnh đó, UNCTAD khuyến nghị chính sách toàn cầu cần dành ưu tiên hàng đầu cho việc tăng cường đầu tư để hỗ trợ phục hồi bền vững và toàn diện sau đại dịch. Trong đó chú trọng thúc đẩy đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng cũng như tăng cường tính tự cường của các quốc gia và nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân.

Quốc Huy