Tại sao Nón Sơn vẫn “sống khỏe, sống tốt” dù các cửa hàng luôn trong tình trạng vắng khách?

Khởi đầu từ một cửa hàng chuyên kinh doanh nón thời trang ngoại nhập năm 1996, qua gần ¼ thế kỷ phát triển, Nón Sơn đã vươn lên trở thành một thương hiệu rất đỗi quen thuộc với người dân tại Hà Nội và Tp.HCM.

Hiện tại Nón Sơn sở hữu 193 cửa hàng trên khắp Việt Nam trải dài 3 miền, trong đó có 20 cửa hàng tại Hà Nội và 57 cửa hàng tại Tp.HCM. Đặc điểm chung của các cửa hàng Nón Sơn là luôn nổi bật bởi tông hồng chủ đạo, nằm ở các vị trí đắc địa như ngã ba, ngã tư hoặc trên các mặt phố lớn; đi kèm với đó là chương trình khuyến mại mua 1 tặng 1 gần như diễn ra quanh năm. Tại Hà Nội, các cửa hàng của Nón Sơn đều nằm trên các tuyến phố lớn như: Hàng Bông, Hàng Nón, Thanh Niên, Tôn Đức Thắng, Đại Cồ Việt, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Khuyến, Xã Đàn…Tại Tp.HCM, các điểm bán cũng đều nằm ở vị trí đắc địa. Tại quận 1, hãng có 4 cửa hàng trên các đường Võ Thị Sáu, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Trãi và Phạm Hồng Thái. Tại quận Phú Nhuận, Nón Sơn nằm ngay tại ngã giao giữa đường Nguyễn Trọng Tuyển và Nguyễn Văn Trỗi, đối diện Bệnh viện Phú Nhuận và sát Viện Y Dược học Dân tộc.

Bình quân mỗi cửa hàng Nón Sơn đạt doanh thu khoảng 650 triệu đồng/năm, tương đương với doanh thu 54 triệu/tháng. Nếu so sánh với các doanh nghiệp thời trang nội địa khác, có thể thấy mức doanh thu của Nón Sơn hãy còn rất khiêm tốn và khó có thể bù đắp được chi phí mặt bằng tại một số vị trí đắc địa. Dẫu vậy thương hiệu này vẫn đang “sống khỏe, sống tốt”; bằng chứng là hệ thống Nón Sơn vẫn liên tục mở rộng về quy mô hoạt động. Vậy trên thực tế Nón Sơn làm ăn ra sao mà vẫn duy trì hoạt động qua nhiều năm liền?

Được biết năm 2018, doanh thu của Nón Sơn đạt 123 tỷ đồng – tăng 84% so với năm 2017; tương tự lợi nhuận cũng tăng từ 1,5 tỷ lên 2,71 tỷ đồng. Bước sang năm 2019, doanh thu có phần chững lại khi chỉ tăng nhẹ lên 126 tỷ đồng, tuy nhuận lợi nhuận trước thuế vẫn tương đương năm trước, đạt 2,73 tỷ đồng. Cuối năm 2019, tổng tài sản của Nón Sơn đạt hơn 320 tỷ đồng. Đến tháng 2/2020, vốn điều lệ của Nón Sơn được tăng từ 150 tỷ lên 200 tỷ đồng với 2 thành viên góp vốn là ông Trần Anh Sơn – sở hữu 79,09% vốn và bà Nguyễn Thị Thu Hà, sở hữu 20,91% vốn còn lại.

Theo chia sẻ của một quản lý cửa hàng Nón Sơn tại Tp.HCM, sở dĩ thương hiệu này vẫn phát triển tốt nhờ việc không chi tiền cho quảng cáo – một khoản khá lớn trong chi phí hoạt động của bất kỳ doanh nghiệp nào. Thay vì đổ hàng núi tiền vào quảng cáo, Nón Sơn chọn thuê những vị trí đắc địa, trang trí bắt mắt để thu hút người qua đường. Ngoài ra có những cửa hàng Nón Sơn thuê mặt bằng từ lâu nên giá cả không đắt như thuê ở thời điểm hiện tại. Thêm vào đó Nón Sơn cũng là công ty lớn nên nhận được sự tin tưởng, hỗ trợ của nhiều đối tác.

Về mặt sản phẩm, so với các loại mũ trên thị trường, Nón Sơn có giá bán cao hơn nhiều. Sản phẩm tại đây được chia thành 3 dòng chính: Mũ báo hiểm, mũ lưỡi trai cho nam và mũ rộng vành cho nữ. Trong đó, mũ bảo hiểm thường từ 300.000 đến trên 400.000 đồng/cái; mũ thời trang nam, nữ giá trung bình từ 500.000 -1 triệu đồng/cái và có những mẫu cá biệt mức giá lên tới vài ba triệu đồng. Với giá bán cao như vậy nên không khó hiểu khi các cửa hàng Nón Sơn luôn trong tình trạng vắng khách. Bù lại, thương hiệu này phát triển mạnh kênh mua bán online thông qua các sàn thương mại điện tử như Lazada Mall, Shopee, Tiki, Sendo. Nón Sơn cũng xây dựng website bán hàng của riêng mình, một kênh Youtube và fanpage chuyên giới thiệu, cập nhật thông tin về sản phẩm.

Bảo Nguyên