Sự vỡ nợ của các công ty Trung Quốc báo hiệu sự thay đổi chính sách

Nhà phát triển bất động sản China Fortune Land Development đã vỡ nợ một khoản trái phiếu trị giá 530 triệu đô la vào tuần trước khi công ty này cố gắng thực hiện các nghĩa vụ nợ của mình. Đây là sự kiện mới nhất trong một chuỗi các cuộc khủng hoảng thanh khoản doanh nghiệp ở Trung Quốc báo hiệu một sự thay đổi chính sách khi Bắc Kinh dường như sẵn sàng để cho các công ty đổ vỡ, thay vì cứu trợ họ.

Tsinghua Unigroup, một công ty chủ chốt trong lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc, đã gây chấn động thị trường vào tháng 11 năm ngoái khi thông báo rằng họ đang vỡ nợ với một trái phiếu tư nhân trong nước. Công ty này từng được quảng cáo là một tập đoàn lớn sẽ sản xuất nhiều chip bán dẫn “Made-in-China” hơn và giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Mỹ.

Trong cùng tháng đó, Yongcheng Coal, một doanh nghiệp nhà nước, đã hai lần vỡ nợ. Động thái bất ngờ này đã gửi đi một thông điệp: Các DNNN không tránh khỏi sự thất bại. Công ty này từng tự hào có xếp hạng tín dụng AAA trước khi vỡ nợ.

Các chuyên gia cho rằng việc Bắc Kinh không hành động là một phần trong nỗ lực khuyến khích các công ty giảm nợ. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tổng tín dụng cho các tập đoàn phi tài chính ở Trung Quốc là 163% so với Tổng sản phẩm quốc nội. Con số này lớn hơn nhiều so với Nhật Bản là 114% và Mỹ là 83%.

Các quan chức Trung Quốc tỏ ra tự tin về sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19, nhưng ngày càng thận trọng với các khoản nợ của chính phủ và doanh nghiệp. Họ dường như từ chối chấp nhận chủ trương “quá lớn để thất bại” và không cung cấp bất kỳ đảm bảo nào cho các công ty có thể đang tin tưởng vào các gói cứu trợ.

Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tuyên bố tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào tuần trước rằng đất nước đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hơn 6% vào năm 2021. Đây được coi là một mục tiêu có thể đạt được và khá khiêm tốn, so với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 8% cho cùng kỳ.

Khi các vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục diễn ra, các nhà quan sát lo lắng về các vụ vỡ nợ chéo có thể gây ra tác động lớn hơn mong đợi và làm chao đảo nền kinh tế nước này. Các nhà đầu tư và nhà kinh tế đang để mắt đến chiến dịch giảm nợ của Bắc Kinh và liệu chiến dịch này có thành công mà không bị ảnh hưởng nghiêm trọng hay không.

Minh Trung