Start up công nghệ thời dịch bệnh – Trở thành lạc đà thay vì kỳ lân…

Dịch bệnh là thời điểm các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thậm chí có doanh nghiệp lâm vào bước đường cùng, buộc phải tuyên bố phá sản. Tuy nhiên với các start up ngành công nghệ, bằng sự sáng tạo và lối đi riêng, họ đã tìm ra con đường để đưa sản phẩm của mình tới ứng dụng lâu dài, góp phần phục vụ đời sống cộng đồng.

Công ty mẹ Alphabet của Google mới đây đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 với doanh thu đạt 41,2 tỷ USD, tăng đến 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý con số này vượt qua doanh thu dự báo từ các nhà đầu tư là 40,3 tỷ USD. Cùng với đó, Alphabet ghi nhận lợi nhuận ròng ở mức 6,8 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm ngoái. Với những kết quả ấn tượng trên, cổ phiếu của Alphabet đã tăng 8% trong sau khi kết thúc phiên giao dịch. Đóng góp lớn vào thành công của Alphabet chính là mảng tìm kiếm trên công cụ Google Search do người dùng thường xuyên lên mạng tìm hiểu thông tin về dịch bệnh; doanh thu quảng cáo từ YouTube cũng tăng trưởng 33%.

Hãng công nghệ Mỹ Amazon hôm 30/4 cũng công bố doanh thu đạt kỷ lục. Cụ thể, doanh thu quý I/2020 của Amazon đạt mức kỷ lục 75,5 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Microsoft đánh bại mọi dự đoán của chuyên gia khi hôm 30/4, cổ phiếu của “ông lớn” công nghệ này tăng 2% trước phiên giao dịch. Ứng dụng làm việc trực tuyến Teams của hãng cũng đã đạt con số 75 triệu người dùng mỗi ngày.

Bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 hoành hành, con người buộc phải hạn chế giao tiếp và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển, hướng đến một nền kinh tế không chạm, không tiếp xúc. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra ở đây là công nghệ có phải “gam màu sáng” trong bức tranh u ám do Covid-19 mang lại? Điều này đúng nhưng chưa đủ bởi không phải hãng công nghệ nào cũng là những “người khổng lồ” như Google hay Microsoft với vốn hóa lên đến hàng nghìn tỉ USD.

Ví dụ như ở Tp.New York, hầu hết công ty công nghệ ở đây đều chỉ thuộc dạng nhỏ và vừa. Trong số 50 start up đáng chú ý nhất tại Thung lũng Silicon, có nhiều những cái tên rất đỗi xa lạ. Mặc dù có triển vọng lớn song hầu hết các doanh nghiệp này vẫn chưa có lợi nhuận, doanh thu thực tế và hầu như chỉ tồn tại dựa vào nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như lòng tin của nhà đầu tư.

Cũng như các doanh nghiệp khác, thời điểm dịch bệnh hoành hành, những người sáng lập các start up cũng phải vật lộn chống chọi để đưa doanh nghiệp mình vượt qua nguy cơ phá sản. Và giải pháp hàng đầu của các start up này là tinh giản bộ máy, cắt giảm nhân sự, năng động tìm nguồn đầu tư mới, cắt giảm chi phí quảng cáo, cắt giảm tiền thưởng và ưu đãi dành cho nhân viên… Theo thống kê sơ bộ, gần 25.000 nhân viên làm việc tại 250 start up ở Mỹ (phần lớn nằm ở Thung lũng Silicon) đã bị mất việc.

Mục tiêu hàng đầu của các start up là trở thành kỳ lân, được định giá trên 1 tỉ USD. Kỳ lân sẽ xuất hiện sau những lần gọi vốn với số tiền đầu tư cao chóng mặt. Tuy nhiên thảm họa Covid – 19 khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, và như thế cơ hội cho các  start up cũng dần bị thu hẹp. Để vượt qua hành trình dài trên sa mạc đầu tư đang khô cằn, thay vì trở thành kỳ lân, có lẽ các start up nên trở thành lạc đà, biết dự trữ nguồn nước để có thể sống sót. Đây cũng là chiến lược phát triển bền vững mà nhiều chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo với các start up lớn quá nhanh, quá mạnh trong thời gian quá ngắn. Đặc biệt, khi dịch bệnh – một thảm họa bất ngờ ập đến, những start up đã quen dùng “nhiên liệu của máy bay phản lực” sẽ khó có thể thích nghi với dầu diesel.

Với những công ty công nghệ, giá trị lớn nhất của họ chính là sáng tạo và đột phá. Trong thời kỳ dịch bệnh, bên cạnh những người khổng lồ công nghệ như Google, Amazon…, rất nhiều start up khác cũng đã chứng minh được lợi ích mà họ mang lại cho cộng đồng bằng chính sự sáng tạo của mình. Dù sớm hay muộn, dịch bệnh cũng sẽ được khống chế; điều quan trọng là từ trong thảm họa Covid – 19, nhiều start up đã tìm ra con đường để đưa sản phẩm của mình tới ứng dụng lâu dài, góp phần phục vụ đời sống cộng đồng.

Thiên Phú