Sau 4 tháng hiệu lực, EVFTA tiếp tục ra nhiều “trái ngọt”
Sau 4 tháng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, đã có những “trái ngọt” ban đầu từ hiệp định mang lại. Điều này cho thấy, EVFTA đã và đang mở ra cơ hội quan trọng cho sự phát triển bền vững trong quan hệ thương mại song phương.
Tại Hội nghị bàn tròn: Hiệp định EVFTA: Thành công bước đầu và cơ hội trong tương lai tổ chức sáng ngày 16/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá, EVFTA là một điểm sáng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và EU. Sau 4 tháng triển khai hiệp định, mặc dù thời gian chưa phải dài nhưng cũng đủ để nhìn nhận được “trái ngọt” từ hiệp định này mang lại.
Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng lên đáng kể. Nếu như tháng đầu sau khi thực hiện EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ tăng hơn 7%, thì sang tháng thứ 2 đã tăng trên 9%, tháng thứ 3, khoảng 15%. Như vậy, trung bình, mức tăng khoảng 10-11% sau 3 tháng thực thi hiệp định EVFTA. Trong khi đó, so với các hiệp định khác, những năm đầu tiên, tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan chỉ chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 2-3%, nhiều là 8-9%.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ EU vào Việt Nam 11 tháng năm 2020 cũng đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, và sau 3 tháng thực hiện EVFTA, con số nhập khẩu đã tăng 11,5%.
“Đây là những dấu hiệu thành công ban đầu, cho thấy EVFTA đã và đang mở ra cơ hội quan trọng cho sự phát triển bền vững của quan hệ thương mại song phương”– Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Không chỉ thương mại mà đầu tư của EU vào Việt Nam trong thời gian gần đây cũng tăng đáng kể. Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng năm 2020, tổng đầu tư của EU vào Việt Nam đạt 752 triệu USD, tăng hơn 100 triệu USD và 180 dự án so với trước khi hiệp định có hiệu lực. Những “trái ngọt” ban đầu này cho thấy, các nhà đầu tư EU luôn tìm kiếm cơ hội trong tương lai.
Mặc dù đạt kết quả tích cực, song Hiệp định EVFTA là hiệp định mới, toàn diện gồm nhiều lĩnh vực và ngành nghề. Đại sứ Giorgio Aliberti – Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam – cho rằng, đây cũng là thách thức để doanh nghiệp hiểu đầy đủ về các tiêu chuẩn và yêu cầu đặt ra trong hiệp định. Chỉ có thể hiểu rõ hiệp định thì mới có thể tận dụng được những lợi ích của EVFTA mang lại.
Thời gian qua, Bộ Công Thương, cùng các bộ, ngành đã và đang triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các cam kết. Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) thông tin, theo một cuộc khảo sát mới đây của VCCI với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu liên quan đến việc hiểu biết về các hiệp định thương mại tự do (FTA), số doanh nghiệp hiểu tương đối rõ, rất rõ về cam kết EVFTA liên quan đến lĩnh vực của họ chiếm tỷ lệ cao nhất trong tất cả các FTA mặc dù hiệp định này mới có hiệu lực. Ngoài ra, khi đánh giá về mức độ kỳ vọng, EVFTA cũng có tỷ lệ được doanh nghiệp kỳ vọng có tác động tương đối tích cực, rất tích cực là cao nhất trong các hiệp định. Điều này đã thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc tuyên truyền thông tin, từ đó giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi, lợi ích mà hiệp định mang lại.
Chuẩn bị sẵn sàng thể chế, pháp luật để thực thi cam kết
EVFTA không chỉ là dừng lại ở việc cắt giảm thuế quan, mà nó còn là cơ hội để Việt Nam tiếp tục cải cách thể chế, pháp luật theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn. Ông Torben Minko – Ban lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam – cho rằng, nhìn về góc độ chính sách, EVFTA là yếu tố nền tảng, doanh nghiệp mới là người xây dựng thành quả lợi ích.
“Vì vậy, để tạo nền móng vững chắc, chúng tôi mong muốn có sự thuận lợi hơn, hài hòa hóa hơn các quy định, tiêu chuẩn. Điều này sẽ rất thuận lợi cho doanh nghiệp của EU sang đầu tư mới lần đầu và các doanh nghiệp EU đã hiện hữu tại Việt Nam”– ông Torben Minko nhấn mạnh.
Thực tế, ngay khi hiệp định có hiệu lực, về cơ bản, các bộ, ngành đã ban hành 6 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 3 nghị định, 2 quyết định và 1 thông tư, đồng thời bãi bỏ 1 quyết định) nhằm hoàn thiện việc ban hành các văn bản pháp luật, đảm bảo hành lang, môi trường pháp lý hiệu quả để EVFTA có thể đem lại kết quả tốt nhất.
Tuy nhiên, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – thẳng thắn cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện. Đối với các FTA trước đây, không phải sửa đổi khuôn khổ pháp lý, thể chế, nhưng với yêu cầu thị trường cao hơn, điều này đòi hỏi phải chuẩn bị sẵn sàng thể chế, pháp luật để có thể thực thi được cam kết, tạo tin cậy với đối tác không chỉ EU mà cả đối tác khác.
Bởi hiện nay, nhiều lĩnh vực sản xuất đã biến đổi, đi trước do Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 gây ra. Đơn cử như, để tạo ra một găng tay, trước đây phải cắt, may, nhưng với công nghệ hiện nay, có thể dập hoặc định hình ngay tấm vải đó thành hình găng tay; quần áo thể thao, trước đây phải dùng tay để may thành cái áo, nhưng hiện, áo thể thao có thể may công nghiệp. Điều này đòi hỏi quy tắc của hiệp định cũng phải điều chỉnh. Hay phía EU đã có hệ thống tự chứng nhận xuất xứ, tiến tới chấp nhận chứng thư điện tử công nhận là việc kiểm dịch động thực vật SPS.
“Với sự thay đổi công nghệ đó, doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng phải thay đổi để thích ứng. Tuy nhiên, hiện, hai bên vẫn chưa có sự sẵn sàng hoàn toàn, dù đã được điều chỉnh. Thời gian tới, cần có hệ thống thông tin thông suốt, lâu dài, chặt chẽ, không những ở cấp cơ quan quản lý nhà nước, mà cần lắng nghe cả tiếng nói của doanh nghiệp, trên cơ sở đó có thể xử lý nhanh nhất các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm”– ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.
Anh Đức