Sáng kiến “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” và nỗ lực tách chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc

Mỹ đang thực hiện nhiều kế hoạch nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng, tách khỏi Trung Quốc càng nhanh càng tốt. Trong đó Việt Nam là một trong những đối tác được nền kinh tế hàng đầu thế giới nhắm tới. Đó là lý do Mỹ mời Việt Nam (cùng với Hàn Quốc, New Zealand) tham gia đối thoại với “Bộ tứ kim cương” (Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ) để tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xoay quanh vấn đề này, Atlantic Council – một think tank của Mỹ nhận định: “Trên phương diện kinh tế, đã đến lúc Mỹ nên tìm cách tách mình ra khỏi Trung Quốc”. Trong mối quan hệ thương mại song phương, Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ các mặt hàng nguyên liệu thô, nông sản và năng lượng để thúc đẩy sản xuất các sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng. Ở chiều ngược lại, đối với các mặt hàng thiết bị y tế, dược phẩm, ô tô, các sản phẩm công nghệ, Mỹ lại phụ thuộc gần như hoàn toàn vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Xuất phát từ cuộc chiến tranh thương mại, Mỹ có rất nhiều lý do để Mỹ không còn hài lòng với sự phụ thuộc đó. Và khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nó đã trở thành một ngòi nổ, với dây dẫn là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Đây chính là lúc Mỹ, EU và các quốc gia khác nhận ra mối nguy khi phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung nguyên liệu Trung Quốc để từ đó tiến hành chiến lược đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc càng nhanh càng tốt.

Dĩ nhiên chiến lược đa dạng hóa này không phải một sớm một chiều là có thể thực hiện thành công song từ đây cho đến lúc đó, mỗi ngày trôi qua áp lực phụ thuộc vào nguồn cung ứng của Trung Quốc vẫn đè nặng lên vai Mỹ, EU và các quốc gia khác. Mỹ có thể sử dụng thời điểm này để bắt đầu chiến dịch tái cấu trúc chuỗi cung ứng, rời Trung Quốc để hướng tới trung tâm sản xuất phù hợp khác. Cuộc đối thoại giữa “Bộ tứ kim cương” và 3 quốc gia khác gồm Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand đã được tờ India Times gọi là “Bộ tứ mở rộng” (QUAD Plus). Đây là nền tảng xây dựng nhóm quốc gia “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” và thông qua sáng kiến này, các công ty và tổ chức trên toàn thế giới có thể sớm bắt đầu quá trình chuyển đổi, tách chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc.

Đã đến lúc thay đổi cục diện, di chuyển chuỗi cung ứng

Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đang diễn ra không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Mỹ, mà cả những công ty từ khắp nơi trên thế giới. Tại Nhật Bản, đại dịch Covid – 19 đã làm đình trệ sản xuất và hậu cần trên toàn thế giới, phơi bày lỗ hổng của các công ty Nhật vốn phụ thuộc vào Trung Quốc cho hơn 20% nhu cầu về linh kiện và vật liệu của họ. Trước tình hình trên, Chính phủ Nhật đã dành hơn 240 tỷ yen (2,2 tỷ USD) trong ngân sách bổ sung cho năm tài khóa 2020 để trợ cấp cho các công ty tổ chức lại chuỗi cung ứng của họ, tránh phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất – Trung Quốc

Tại Pháp, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cho biết sẽ có một sự phân chia giữa thời điểm trước và sau khi đại dịch Covid-19 diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu. “Chúng ta phải giảm sự phụ thuộc vào một số đối tác lớn, đặc biệt là Trung Quốc về việc cung cấp một số sản phẩm nhất định và tăng cường khả năng độc lập tối đa của chúng ta trong chuỗi giá trị chiến lược, nhất là đối với các mặt hàng như xe hơi, hàng không vũ trụ và thuốc” – ông Bruno Le Maire khẳng định.

Khi nguồn cung từ Trung Quốc bị hạn chế, các đối thủ cạnh tranh 5G, Ericsson và Nokia đã dịch chuyển sang các cứ địa mới ở Mỹ và Ba Lan. Tuy nhiên dù có cố gắng đến mấy cũng không thể phủ nhận một điều rằng các quốc gia rất khó có thể tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc bởi phần lớn quy trình cung cấp, cụ thể là cung cấp linh kiện vốn phụ thuộc hoàn toàn vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Song những thay đổi chưa từng có vì Covid-19 cũng đã khiến các công ty đa quốc gia phải nhìn nhận lại cục diện và bắt đầu tìm nguồn cung ứng linh kiện từ các nước khác ngoài Trung Quốc. Mặc dù chắc chắn chuyển toàn bộ trung tâm hoạt động từ Trung Quốc sẽ không dễ dàng, những gã khổng lồ công nghệ Apple, Microsoft và Google đã tuyên bố sẽ tái cơ cấu. Đến cuối năm 2020, các nhà sản xuất công nghệ này có kế hoạch chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất của họ sang Việt Nam và Thái Lan. Các công ty đáng chú ý khác tham gia vào xu hướng dài hạn chuyển sang sản xuất tại Việt Nam là Samsung, Intel, Nike và Adidas.

Trong nhiều năm qua, các công ty đã để mắt nhiều hơn đến Việt Nam, nơi có chi phí lao động thấp hơn so với Trung Quốc và môi trường chính trị thuận lợi hơn nhiều. Một trong những nhà sản xuất linh kiện của Apple, Luxshare Precision Industry cũng đã chuyển sang Việt Nam và đang tiên phong trong việc cải tiến chuỗi cung ứng ở Đông Á.

Tuy nhiên nếu Trung Quốc tìm cách phục hồi sau cuộc khủng hoảng này nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới, các công ty có thể sẽ lại tìm đến Trung Quốc, duy trì các kế hoạch sản xuất hiện tại để tìm kiếm sự phục hồi tài chính nhanh chóng. Di chuyển chuỗi cung ứng đòi hỏi phải lập kế hoạch dài hạn, sản xuất chậm lại và chắc chắn sẽ bị gián đoạn đáng kể, điều này có khả năng sẽ làm căng thẳng thêm tình hình hậu Covid-19.

Ngọc Anh