Sàn thương mại điện tử – Bệ phóng cho doanh nghiệp Việt vươn ra toàn cầu

 “Điều kiện tiên quyết là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, doanh nghiệp với các sàn thương mại điện tử; nếu muốn khai thác triệt để, hiệu quả những lợi ích từ thương mại điện tử phục vụ cho việc kinh doanh, xuất khẩu…” là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) trong cuộc trao đổi với báo chí gần đây.

Việc hợp tác với các sàn thương mại điện tử sẽ giúp các địa phương quảng bá, xuất khẩu nông sản tốt hơn.

Chia sẻ về các chương trình ECOM đã triển khai nhằm hỗ trợ đưa hàng hóa của các doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử, ông Dũng cho biết năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ở các địa phương tiếp cận thương mại điện tử để bán hàng trong nước và xuất khẩu trực tuyến được ECOM triển khai quyết liệt hơn thông qua tổ chức những chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp tại Tp.HCM và nhiều địa phương khác trên cả nước tiếp cận các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba… Nổi bật Hiệp hội đã mở một số lớp đào tạo với giáo trình được Amazon Global Selling cung cấp để phổ biến, cập nhật những kiến thức cho doanh nghiệp Việt có thể bán hàng xuyên biên giới. “Khi tổ chức những chương trình này, chúng tôi thấy rằng vẫn còn số lượng rất lớn những người sản xuất, người kinh doanh của Việt Nam khá bỡ ngỡ với thương mại điện tử và hầu như họ chưa có sự sẵn sàng. Từ đó chúng tôi đã đưa ra khuyến cáo cho doanh nghiệp phải có sự cập nhật thông tin, kiến thức nhiều hơn nữa để tham gia vào sân chơi thương mại điện tử toàn cầu” – Phó Chủ tịch VECOM nhận xét.

Cũng theo ông Dũng, nhằm thúc đẩy việc ứng dụng hiệu quả thương mại điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên cả nước, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, VECOM đã khởi xướng “Chương trình phát triển Thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019 – 2025”. Mục tiêu của Chương trình là tới năm 2025, tỷ trọng thương mại điện tử của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt tới 50%, trong khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của Hà Nội và Tp.HCM ở mức cao trên 25%.

Hoạt động đầu tiên của chương trình là Dự án dừa Bến Tre online được khởi động vào tháng 4/2019 vừa qua. Trong giai đoạn Khởi động, Lazada cùng một số doanh nghiệp cung cấp giải pháp online đã đào tạo, tư vấn, hỗ trợ khoảng 20 doanh nghiệp dừa ở Bến Tre mở gian hàng trên sàn này và tổ chức sự kiện Ngày của Làng Dừa Bến Tre. Giai đoạn Lan tỏa sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh dừa trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp kinh doanh trực tuyến, từ xây dựng website và ứng dụng di động, ứng dụng các giải pháp bán hàng đa kênh, tiếp thị trực tuyến, thanh toán điện tử, các giải pháp hoàn tất đơn hàng tiên tiến…”Theo đánh giá của chúng tôi, hoạt động mở đầu này đã có bước thành công nhất định, giúp sản phẩm dừa từng bước tiếp cận khách hàng trong nước cũng như tiến tới xuất khẩu xuyên biên giới. Từ thành công của chương trình ở Bến Tre, sắp tới VECOM sẽ mở rộng với các tỉnh khác như An Giang, Đồng Tháp, Long An…; qua đó giúp các địa phương này xây dựng chiến lược cụ thể để đưa hàng đặc sản, nông sản lên sàn thương mại điện tử” – ông Dũng hồ hởi cho biết.

Theo thống kê, hiện có 32% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến.

Việc gia nhập nền tảng thương mại điện tử B2B (Business to Business) sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới, qua đó mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu, giảm chi phí liên quan đến xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu. Cụ thể doanh nghiệp có thể tiết kiệm được 15-30%, thậm chí lên tới 90% thời gian so với cách làm truyền thống.

Thái Hòa