Rò rỉ khí đốt trong đường ống Dòng chảy phương Bắc 1

Châu Âu đang điều tra vụ rò rỉ trong hai đường ống dẫn khí đốt của Nga làm xuất hiện nhiều bong bóng tại Biển Baltic vào thứ Ba và làm dấy lên lo ngại từ Copenhagen đến Moscow về sự phá hoại cơ sở hạ tầng ngay giữa cuộc khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ ai có thể đứng sau bất kỳ “trò chơi xấu” nào, nếu được chứng minh, trên đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 mà Nga cùng các đối tác châu Âu đã chi hàng tỷ đô la để xây dựng.

Thủ tướng Ba Lan đã lên án hành vi phá hoại nhưng không nêu bằng chứng, trong khi Thủ tướng Đan Mạch nói rằng không thể loại trừ điều đó.

Nga, quốc gia đã cắt giảm việc cung cấp khí đốt cho châu Âu sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt, nói rằng có thể có hành vi phá hoại và vụ việc này đã làm suy yếu an ninh năng lượng của lục địa này. Một quan chức cấp cao của Ukraine gọi đây là cuộc tấn công của Nga nhằm gây bất ổn ở châu Âu, mà không đưa ra bằng chứng.

Các đường ống Dòng chảy phương Bắc là tâm điểm trong cuộc chiến năng lượng ngày càng leo thang giữa các nước châu Âu và Moscow, vốn đã gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế lớn của phương Tây, khiến giá khí đốt tăng vọt và kích động cuộc săn tìm các nguồn cung cấp năng lượng thay thế.

Cơ quan Hàng hải Thụy Điển đã đưa ra cảnh báo về hai vụ rò rỉ trong đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, một ngày sau khi rò rỉ trên đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 gần đó được phát hiện, khiến Đan Mạch hạn chế vận chuyển và áp đặt một vùng cấm bay nhỏ.

Lực lượng vũ trang Đan Mạch đã công bố đoạn video cho thấy bọt nước sôi lên mặt biển. Các lực lượng vũ trang cho biết vụ rò rỉ khí lớn nhất đã gây ra sự xáo trộn bề mặt có đường kính hơn 1 km (0,6 dặm).

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết tại lễ khai trương đường ống mới giữa Na Uy và Ba Lan: “Hôm nay chúng tôi phải đối mặt với một hành động phá hoại, chúng tôi không biết tất cả chi tiết về những gì đã xảy ra, nhưng chúng tôi thấy rõ ràng rằng đó là một hành động phá hoại, liên quan đến bước leo thang tiếp theo của tình hình ở Ukraine”.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Đan Mạch Kristoffer Bottzauw cho biết các lỗ rò rỉ là rất lớn và có thể mất một tuần để khí đốt ngừng thoát ra khỏi đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.

Tàu có thể mất sức nổi nếu đi vào khu vực này. Bottzauw cho biết: “Mặt biển chứa đầy khí mê-tan, đồng nghĩa với việc có nhiều nguy cơ xảy ra các vụ nổ trong khu vực”.

Gazprom, công ty do Điện Kremlin kiểm soát với độc quyền về xuất khẩu khí đốt của Nga bằng đường ống, từ chối bình luận về vấn đề này.

Vụ rò rỉ xảy ra trước vụ khai trương đường ống Baltic chở khí đốt từ Na Uy đến Ba Lan hôm thứ Ba. Đây là một trọng tâm trong nỗ lực của Warsaw nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp khỏi Nga. Cơ quan An toàn Dầu mỏ Na Uy (PSA) đã kêu gọi các công ty dầu khí hôm thứ Hai cảnh giác về các máy bay không người lái không xác định bay gần các giàn khoan dầu khí ngoài khơi Na Uy, cảnh báo về các cuộc tấn công có thể xảy ra.

Bảo Ngọc