Rau su su ở Bắc Cạn kỵ thuốc trừ sâu, phân hóa học

Nằm ở độ cao trên 1000m so với mặt nước biển, với địa hình đồi núi và thời tiết mát mẻ quanh năm, xã Bản Thi, Huyện Chợ Đồn là một địa điểm lý tưởng để trồng các loại rau, trong đó có cây su su lấy ngọn.

Ngọn su su trên đỉnh Phia Khao (Bắc Kạn) mềm, giòn ngọt, người dân nơi đây không bao giờ phun thuốc sâu hay phân hóa học bởi cây sẽ chết.

Rau su su được phân bố tại huyện Chợ Đồn với diện tích khoảng 6 ha, đạt sản lượng 50 tấn mỗi năm. Hiện rau su su được tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh vùng cao như Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang.

Sau nhiều lần cắt ngọn để ăn thường thường thì cứ độ 2 tháng phải bón phân cho su su một lần thì nó mới lên ngọn tốt được. Loại phân mà bà con nông dân dùng để bón cho cây su su là phân tự ủ từ phân gia súc gia cầm với rơm rạ chứ không bao giờ dùng phân hóa học hay các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Rau su su là loại rau đặc biệt kị phân hóa học, nếu bón phân hóa học sẽ khiến cho cây héo và chết ngay. Khí hậu thổ nhưỡng ở Bắc Kạn rất phù hợp với cây su su, tháng 2 bắt đầu phát triển đến khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 là có thể thu hoạch được và quá trình thu hoạch kéo dài đến cuối tháng 10 âm.

Giống của rau su su được lấy từ những trái su su già bản địa, đến mùa thu hoạch bà con nông dân phải dạy từ 3,4 giờ sáng cắt cho kịp buổi họp chợ. Gia đình Ông Phạm Hữu Nghiệp ở Thôn Phia Khao, Xã Bản Thi, Huyện Chợ Đồn mỗi buổi sáng thu hoạch được 50 kg. Rau su su rất ngon, vừa mềm, vừa giòn, vừa ngọt đem lại thu nhập khá giúp cho các hộ nông dân, giúp bà con thoát nghèo và ngày càng có đời sống khấm khá hơn.

Minh Đường