Quý I/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giảm mạnh

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%, nhập khẩu giảm 14,7%.

Sở dĩ kim ngạch xuất nhập khẩu có sự sụt giảm mạnh là do tác động từ tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm cộng với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia đã làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, từ đó kéo giảm kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Tuy nhiên dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các Bộ, ban ngành và địa phương cùng sự nỗ lực vượt khó đi lên của các doanh nghiệp xuất khẩu nên cán cân thương mại hàng hóa quý I/2023 ước tính xuất siêu đến 4,07 tỷ USD, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái chỉ xuất siêu 1,9 tỷ USD.

Cụ thể ở chiều xuất khẩu, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 3/2023 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước. Tính chung quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 19,26 tỷ USD, giảm 17,4%, chiếm 24,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,91 tỷ USD, giảm 10%, chiếm 75,7%.

Trong 3 tháng đầu năm có tổng cộng 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong số này có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8% tổng kim ngạch xuất khẩu gồm: Điện thoại và linh kiện (13 tỷ USD); Điện tử, máy tính và linh kiện (11,8 tỷ USD); Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (9,7 tỷ USD) và hàng dệt may (7,1 tỷ USD)

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I/2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 70,24 tỷ USD, chiếm 88,7%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 6,07 tỷ USD, chiếm 7,7%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 1,79 tỷ USD, chiếm 2,3%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước. Tính chung quý I/2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 13,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,07 tỷ USD, giảm 15,4%.

Trong 3 tháng đầu năm có tổng cộng 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong số này có 2 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, chiếm 37,6% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Xét về thị trường xuất nhập khẩu, trong quý I/2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD.

Xét theo tỉnh, thành phố, báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 3 tháng đầu năm 2023, top 5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước lần lượt là Tp.HCM (9,4 tỷ USD)  Bắc Ninh (9,2 tỷ USD), Bình Dương (7,9 tỷ USD), Thái Nguyên (7,2 tỷ USD) và Hải Phòng (5,6 tỷ USD). Ngoài ra còn có 6 tỉnh, thành phố ghi nhận kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 2 tỷ USD gồm: Bắc Giang (5,2 tỷ USD); Đồng Nai (4,8 tỷ USD);  Hà Nội (3,7 tỷ USD); Phú Thọ (2,2 tỷ USD); Vĩnh Phúc (2,1 tỷ USD) và Hải Dương (2,06 tỷ USD).

Năm 2023, xuất khẩu tiếp tục được xác định là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế với mục tiêu tăng trưởng 6%, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt từ 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hoá so với năm 2022. Trước những diễn biến khó lường của hoạt động xuất nhập khẩu, để hoàn thành mục tiêu đề ra, Bộ Công Thương chủ trương tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới; tham mưu, đề xuất các khuôn khổ hợp tác, các giải pháp để vừa phát triển thị trường truyền thống vừa đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Song song đó Bộ cũng tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời chú trọng nâng cấp và phát triển các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành dựa trên các lợi thế so sánh ở cấp độ quốc gia, vùng và địa phương để nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường năng lực tự chủ của ngành Công Thương

Huỳnh Anh