Quản trị và giảm thiểu các rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế

Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, để duy trì sản xuất và phát triển thị trường, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam thường năng động vươn ra tìm kiếm các thị trường tiêu thụ nước ngoài giàu tiềm năng. Để quản trị và giảm thiểu các rủi ro khi giao dịch thương mại quốc tế, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp cần lưu ý tìm hiểu, xác minh đối tác kỹ lưỡng cũng như đàm phán các điều khoản hợp đồng chặt chẽ.

Doanh nghiệp cần nắm rõ thông tin trước khi giao dịch

Thời gian gần đây, Thương vụ Việt Nam tại các nước Hà Lan, Senegel, Togo, Maroc, Thổ Nhĩ Kỳ… liên tiếp đưa ra cảnh báo đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tìm đối tác thông qua mạng internet. Cụ thể Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết vừa qua cơ quan này đã nhận được đề nghị của doanh nghiệp Việt Nam nhờ kiểm tra 1 doanh nghiệp Hà Lan, trước khi tiến hành giao dịch kinh doanh nhập khẩu nhiệt kế hồng ngoại phục vụ công tác phòng dịch Covid-19 với tên gọi là Phonenix Pharma B.V. Doanh nghiệp Hà Lan này có địa chỉ website www.phoenixpharmabv.nl. Khi truy cập website thấy quảng bá bán khẩu trang y tế, hình thức website tương đối bắt mắt, tuy nhiên số điện thoai liên hệ chỉ có số di động chứ không có số cố định dấy lên nhiều nghi vấn.

Nhận được đề nghị của doanh nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan đã ráo riết vào cuộc hỗ trợ. Đại diện Thương vụ cho biết khi truy cập dữ liệu của Phòng Thương mại Hà Lan – Cơ quan cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh của www.kvk.nl cho thấy, số đăng ký thành lập doanh nghiệp Phonenix Pharma B.V cung cấp KvK-nummer 57650454 là đăng ký cấp cho công ty Distilleerderij De Tweekoppige Phoenix B.V, với lĩnh vực kinh doanh đồ uống (không phải vật tư-thiết bị y tế như trên website). Địa chỉ văn phòng: Diederik Sonoyweg 10, 1509BR Zaandam. Thông tin này thấy số đăng ký này không phải là công ty Phoenix Pharma BV. Thông tin trên website là giả mạo vì bị thay thế tên công ty, địa chỉ email, số điện thoại (di động), còn hầu hết các chi tiết khác là thuộc về công ty Distilleerderij De Tweekoppige Phoenix B.V là công ty có thật và mang số đăng  ký 57650454.

Liên quan đến khâu thanh toán xuất nhập khẩu, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói chung và xuất khẩu hàng nhựa nói riêng thận trọng trong giao dịch với Công ty Fisherlab Sarl địa chỉ 13 Ahmed El Majjati Res Alpes Etg01 N °08 Maarif Casablanca 20100; Giám đốc là Mr Khalid; điện thoại: 00 212 (0) 6 22 10 93 52/00 21 26 01 76 76 27; điện thoại di động 212 661 607818 và email: contact@fisherlab.ma / fisherlabsarl@gmail.com. Công ty Fisherlab Sarl có biểu hiện không trung thực trong giao dịch nhập khẩu, đưa ra nhiều yêu sách đối với bên xuất khẩu và tìm mọi cách trốn tránh trách nhiệm thanh toán theo hợp đồng đã ký kết. Cùng với đó, công ty này còn có biểu hiện cấu kết với ngân hàng chi nhánh để lảng tránh nghĩa vụ thanh toán.

Cho đến nay đã có một doanh nghiệp của Việt Nam gặp trục trặc do bán hàng nhựa nguyên liệu cho Công ty Fisherlab Sarl. Thủ đoạn của Công ty Fisherlab Sarl là nhập 1-2 lần đầu số lượng ít, thanh toán đầy đủ để tạo niềm tin; sau đó đề nghị ký hợp đồng lớn và trở mặt với lý do chất lượng hàng không đảm bảo, đòi trả lại tiền, không hợp tác để xử lý lô hàng nhằm chờ thanh lý.

Có thể thấy tỷ lệ thuận với mức độ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, số vụ lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế cũng có sự gia tăng đáng kể. Hình thức lừa đảo khá đa dạng, tinh vi, các đối tượng sử dụng website giả mạo, dùng virus gửi qua email lấy cắp mật khẩu để chỉ định chuyển tiền vào tài khoản khác, hay lừa đảo để lấy bộ chứng từ không qua ngân hàng…

Trước tình hình nay, Thương vụ Việt Nam tại các nước đề nghị doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt cần hết sức cảnh giác giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên internet. Ông Hoàng Đức Nhuận – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria khuyến cáo thay vì  tìm đối tác thông qua mạng internet, các doanh nghiệp cần tìm kiếm đối tác qua các kênh uy tín như tham gia chương trình xúc tiến thương mại, dự hội chợ, triển lãm quốc tế, các diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc giao thương trực tiếp, qua giới thiệu từ các cơ quan xúc tiến thương mại và bạn hàng quen thuộc.

Còn theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ – ông Lê Phú Cường, đa phần các doanh nghiệp Việt trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế là do chủ quan. Để có đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận các điều kiện thanh toán rủi ro, nhất là điều kiện CAD; thậm chí trong nhiều giao dịch, hai bên không có hợp đồng mà chỉ xác nhận lên hóa đơn. Theo khuyến nghị của ông Cường, việc xác minh, kiểm tra đối tác rất quan trọng. Nếu thực hiện kỹ khâu này sẽ góp phần ngăn chặn được nhiều giao dịch có khả năng lừa đảo.

Đối với khâu thanh toán xuất nhập khẩu, Thương vụ Việt Nam tại các nước khuyến nghị doanh nghiệp nên sử dụng L/C (tín dụng thư) không hủy ngang có xác nhận của ngân hàng uy tín châu Âu hoặc châu Mỹ; tuyệt đối không sử dụng hình thức thanh toán D/A (nhờ thu chấp nhận chứng từ) bởi một khi khách hàng đề nghị hình thức thanh toán này, rất có thể doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị mất hàng. Ngoài ra các doanh nghiệp cần đề nghị khách hàng cọc trước ít nhất là 40-50% giá trị đơn hàng, không chấp nhận phương thức trả chậm. Đồng thời cần xác định rõ địa chỉ ngân hàng cũng như người nhận bộ chứng từ của bên mua vì có hiện tượng khách hàng cho địa chỉ người nhận chứng từ không thuộc ngân hàng…

Kim Phương