Phút trải lòng của “mẹ đẻ” công nghệ mRNA

 Với việc nghiên cứu ra vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA, TS Katalin Kariko cùng với 2 nhà khoa học khác (Giáo sư Weissman; Giáo sư Pieter R. Cullis) đã trở thành chủ nhân của giải thưởng VinFuture. Hiệu quả của công trình nghiên cứu khoa học này đã được chứng minh khi người dân của hơn 150 quốc gia được hưởng lợi nhờ vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA. Thế nhưng người phụ nữ tài năng này không dám nhận mình là “người hùng khoa học”, đã đóng góp to lớn cho cuộc chiến chống Covid-19 như giới truyền thông tôn vinh bởi với bà, những người hùng thực sự là những nhân viên y tế tuyến đầu, là những người đã làm việc ngay cả không có vaccine, những người đã liều mạng hàng ngày để cứu bệnh nhân….

Thành công đến từ sự kiên trì, bền bỉ

Theo TS Katalin Kariko, mục tiêu ban đầu của bà không phải nghiên cứu công nghệ mRNA để tạo ra vaccine mà tập trung vào ARN thông tin (mRNA), vật liệu di truyền mang chỉ thị AND cho bộ máy tạo protein trong mỗi tế bào. Nhà khoa học này tin rằng mRNA có thể dùng để hướng dẫn tế bào tự sản xuất thuốc, bao gồm cả vaccine; điều này đồng nghĩa với mRNA có thể điều trị bệnh nhân bị đông máu sau ca phẫu thuật não, thường gây đột quỵ; bệnh nhân xơ hoá gan…. Cụ thể nhóm nghiên cứu của bà đã thử nghiệm lâm sàng cho các bệnh nhân bị xơ hoá gan và 3/6 bệnh nhân đã ghi nhận kết quả rất tốt.

Hay như trong điều trị tim, khi tiến hành phẫu thuật nối động mạch tim, nhóm nghiên cứu sử dụng công nghệ mRNA để kích thích mạch máu, còn được gọi là VEGFA. Vượt trên mong đợi, hoạt động của tim đã được cải thiện đáng kể và hiện thử nghiệm này đang trong giai đoạn 3. Ngoài ra công nghệ mRNA còn được sử dụng trong rất nhiều ứng dụng khác như điều trị cho bệnh nhân xơ hoá cơ tim.

 Tuy nhiên đại dịch Covid-19 đã giúp mọi người chú ý nhiều hơn đến công nghệ mRNA vì nó liên quan đến vaccine để rồi qua tâm huyết và nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học, trong đó có TS Katalin Kariko, công nghệ mRNA đã trở thành nền phát triển vaccine Covid-19 mang lại lợi ích cho hàng tỷ người trên Trái Đất. Tuy nhiên ít người biết rằng trước đây, công nghệ mRNA từng được cho là ý tưởng viển vông. Khó khăn là vậy song TS Katalin Kariko cho biết chưa lúc nào bà nghĩ đến hai từ bỏ cuộc. “Tôi rút ra được một điều rằng bạn không cần cố theo đuổi một chương trình mà chẳng mang lại kết quả hay chẳng có sự cải thiện nào cả. Nhưng trong quá trình nghiên cứu, tôi đã tìm thấy những protein mới do tế bào tạo ra; điều này chứng tỏ có thể dùng mRNA để hướng dẫn bất kỳ tế bào nào tạo ra protein theo ý muốn. Như vậy chúng tôi đã thấy rõ những cải thiện của nghiên cứu. Điều quan trọng là việc gắn bó với quá trình nghiên cứu, và sự kiên trì khi nhìn thấy có kết quả nhất định. Theo một cách nào đó, có thể nhiều người cho rằng chúng tôi đang tìm hiểu những điều mà chẳng ai quan tâm. Nhưng bản thân tôi có thể nhìn thấy được những kết quả bước đầu, đó mới là điều quan trọng. Ở đây tôi chỉ muốn truyền tải thông điệp rằng dù có đối mặt với bất kỳ khó khăn, thách thức nào, chúng ta vẫn phải kiên quyết, nhẫn nại với công trình của mình” – Chủ nhân giải thưởng VinFuture nhấn mạnh.

Khoa học là khám phá, là niềm vui vô tận

Quay trở lại với Tuần lễ trao giải VinFuture, TS Katalin Kariko cho biết bà nhận lời tham gia bởi đây là một sự kiện khoa học quy mô – nơi các nhà khoa học và các câu chuyên làm khoa học được tôn vinh. “Tôi hy vọng giải thưởng VinFuture sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Trong lĩnh vực khoa học, việc hợp tác là vô cùng quan trọng, nhất là hợp tác quốc tế. Thông điệp của tôi dành cho các bạn trẻ đang theo đuổi khoa học là sẽ chẳng có công thức nào để trở thành nhà khoa học. Ngay với bản thân tôi, những nghiên cứu của tôi trước giờ đều không vì mục đích phát minh ra vaccine. Bạn có thể bắt đầu với một mục đích, nhưng bạn sẽ tìm ra một kết quả khác trên con đường làm khoa học bởi khoa học nên là việc giải quyết vấn đề trong cuộc sống, trong tự nhiên. Bạn sẽ chẳng bao giờ biết những nghiên cứu của mình sẽ dẫn mình tới đâu” – nữ Tiến sỹ nhấn mạnh.

Là người truyền cảm hứng rất lớn trong giới học thuật nhưng bản thân TS Katalin Kariko cũng có động lực riêng thôi thúc bà vững bước trên con đường đã chọn. Mục tiêu lớn nhất của Katalin Kariko là có thể đưa mRNA vào tế bào, thúc đẩy chúng tạo thành protein mới. Đó cũng là lý do bà lặn lội đến Đức, đi cả một chặng đường dài chỉ để nhìn thấy người đầu tiên được trị liệu bằng mRNA. “Tôi muốn công nghệ này có thể chữa khỏi bệnh cho nhiều người hơn, những bệnh mà trước nay chúng ta chưa tìm được phương pháp cứu chữa. Tôi muốn tạo ra sự khác biệt ở đó. Nó cũng là động lực cho tôi thức dậy mỗi ngày, truyền cảm hứng cho nhiều người khác bởi tôi đang nhận được vô số sự chú ý mà trước nay tôi chưa từng mơ về. Tôi không thích ánh đèn sân khấu, cũng không có nhu cầu làm ngôi sao. Nhưng bạn biết đấy, khi có cơ hội và người khác trao quyền, bạn cần chứng tỏ mình. Với thế hệ tiếp theo, tôi muốn nhìn thấy nhiều cô gái, chàng trai theo đuổi con đường khoa học hơn bởi nó là niềm vui vô tận, niềm vui của sự tìm tòi, khám phá và cống hiến. Các bạn sẽ không biết được rằng, ngày mai thế giới sẽ đi tới đâu. Mình cứ tìm những vấn đề liên quan tới cuộc sống để giải quyết, bởi khoa học sẽ phát triển rất nhanh”

Trung Anh