Phục hồi thị trường bất động sản – Yêu cầu tiên quyết là gỡ khó về cơ chế chính sách

Cùng với việc tháo gỡ vướng mắc các chính sách để kích hoạt hoạt động, ngay lúc này đây thị trường bất động sản đang rất cần “phao cứu sinh” là các gói hỗ trợ tài chính giúp thị trường sớm phục hồi và phát triển. Đây là khuyến nghị của các chuyên gia địa ốc có mặt tại Diễn đàn Bất động sản 2020 với chủ đề “Cơ hội mới từ chính sách và thị trường”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu nhận định thị trường bất động sản trong nước đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn do tác động của Covid-19, nhưng nguyên nhân khiến nguồn cung bất động sản giảm là do cơ chế chính sách. Yêu cầu lúc này là phải tìm ra các giải pháp để phát triển thị trường bất động sản, tạo động lực quan trọng cho kích hoạt quá trình phục hồi nền kinh tế. Muốn làm được điều này, đầu tiên cần phải thúc đẩy thực hiện các gói hỗ trợ hiện có và ban hành các gói hỗ trợ mới cho thị trường bất động sản. “Đây là thời điểm có thể mở rộng quy mô, nguồn lực các gói hỗ trợ, đồng thời mở các gói hỗ trợ mới, đặc biệt là các gói tín dụng trung và dài hạn cho các dự án quan trọng, cốt lõi. Các gói hỗ trợ mới cần được thực hiện theo hướng thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp nội địa bởi đây là nền tảng của kinh tế tự cường” – Chủ tịch VCCI khẳng định.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam cho biết nhìn vào biểu đồ tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2020 mức độ tăng trưởng GDP có sự chậm lại, thấp hơn so với năm 2019. Tuy nhiên với hàng loạt động thái quyết liệt cùng sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ, kỳ vọng trong thời gian tới độ tăng trưởng của GDP sẽ sớm phục hồi.

Cũng như nền kinh tế, bản thân thị trường bất động sản cũng rất cần sự hỗ trợ về các chính sách, vốn để làm lực đẩy cho thị trường phục hồi. Hiện tại do những hệ lụy từ dịch bệnh Covid-19 đẩy thị trường bất động sản rơi vào tình trạng bất ổn. Hàng loạt dự án phải “đắp chiếu” cộng thêm những chồng chéo về pháp luật trong thủ tục đang gây trở ngại cho sự gia tăng nguồn cung của thị trường bất động sản. Trong bối cảnh đó, những giải pháp hỗ trợ từ phía Chính phủ là rất quan trọng và vô cùng cần thiết.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng đã chia sẻ về những khó khăn vướng mắc, những giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới. Cụ thể để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, các chuyên gia cho rằng cần cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định, từ đó có thể huy động được hơn 60.000 tỷ để thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp vay xây nhà ở xã hội và người dân vay để mua, thuê nhà ở xã hội. Đồng thời sửa đổi, bổ sung theo quy trình rút gọn một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội như cơ chế dành quỹ đất 20%, về xác định lợi nhuận định mức, về hoàn trả nghĩa vụ tài chính, về tăng cường sự quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết nước ta đang đến chu kì 10 năm của thị trường và tác động của Covid – 19 khiến doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản có liên quan rất nhiều đến cơ chế chính sách, khi có liên quan hơn 10 luật khác nhau từ Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật nhà ở, các luật liên quan tới thuế, phí….

Theo như ông Hà chia sẻ, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm với những đổi thay về chính sách. Trong bối cảnh khó khăn chung, các doanh nghiệp rất mong chờ các chính sách mới, mong chờ được tháo gỡ các vướng mắc. Bất cập ở đây là các văn bản mới được ban hành để tháo gỡ nhiều khi lại vấp phải những quy định mới thành ra khó chồng khó, khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh dở khóc dở cười. “Trên thực tế có tình trạng văn bản 6 tháng mới có hiệu lực nhưng cũng có văn bản có hiệu lực ngay khiến cho doanh nghiệp không xoay xở kịp. Yêu cầu đặt ra là với các chính sách có lợi cho người dân, cho doanh nghiệp có thể có hiệu lực ngay; còn chính sách nào có tác động lớn tới doanh nghiệp thì có hạn 1-2 năm mới có hiệu lực” – ông Hà kiến nghị.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest), mong mỏi hàng đầu của các doanh nghiệp là gỡ rối về cơ chế chính sách. Tuy nhiên Luật Quy hoạch Quốc hội vừa sửa lại gây ách tắc nghiêm trọng hơn. Đơn cử muốn điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải điều chỉnh quy hoạch vùng, muốn điều chỉnh quy hoạch vùng phải điều chỉnh quy hoạch quốc gia. Nếu dự án năm 2020 thực hiện nhưng lại đòi hỏi điều chỉnh quy hoạch vùng đã có trước đó thì đây hóa ra lại là quy định gây khó cho doanh nghiệp.

Đối với Luật Đất Đai và Luật Quy hoạch, có thể thấy hầu hết các dự án ách tắc hiện nay đều liên quan hai luật này. Chính vì vậy khi xây dựng, sửa đổi luật đòi hỏi phải tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp, các nhà làm quy hoạch để có tiếng nói của thực tiễn. “Điều chúng tôi mong mỏi là tiếng nói của doanh nghiệp về xây dựng các luật sẽ đến được với người có thể quyết định, đến với các cơ quan làm luật, có như vậy những đóng góp mới có thể phát huy hiệu quả” – ông Hiệp bày tỏ.

Minh Châu