Phát triển đội ngũ doanh nhân trở thành lực lượng chủ lực của nền kinh tế

Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, trở thành lực lượng nòng cốt đưa đất nước tiến lên hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu, từng bước tạo dựng vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.

Trao đổi với phóng viên về sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam và kinh tế tư nhân thời gian qua, TS.Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết hiện nay đại bộ phận doanh nhân trong nước đều thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Với chủ trương của Đảng hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, khung pháp lý và chính sách đã được xây dựng đổi mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn, bình đẳng và không phân biệt các thành phần kinh tế. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, tâm lý, thái độ xã hội cũng có sự thay đổi theo hướng tích cực đối với sự hình thành, phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, doanh nhân. Gần như tuyệt đại các tầng lớp trong xã hội đều muốn thay đổi kinh tế nhanh chóng theo hướng tích cực và hướng tới nền kinh tế thị trường thực thụ. Môi trường xã hội cũng thân thiện hơn đối với doanh nhân. Một điểm chuyển biến thành công nữa là những doanh nhân giỏi, làm giàu chân chính đều được tôn vinh, ghi nhận. Nhiều doanh nhân đang tham gia hoạch định chính sách và hoạt động Quốc hội. Đây chính là những nhân tố khích lệ tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh và trách nhiệm xã hội của khu vực.

Đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã đặt ra những thách thức, khó khăn chưa từng có tiền lệ đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam: hoạt động sản xuất trì trệ; thương mại bị hạn chế; sự di chuyển các nguồn lực trên quy mô quốc gia và quốc tế đều sụt giảm mạnh, dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên với tinh thần không đầu hàng dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã năng động, sáng tạo, thích ứng với đại dịch, từng bước vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. “Nhiều doanh nhân tâm sự với tôi họ đang rất khó khăn, hàng hóa, dịch vụ đình trệ, nguồn tiền cạn kiệt dần. Nếu tình hình này kéo thêm 3 – 6 tháng nữa thì chắc phải đóng cửa, nhưng họ chưa bao giờ có ý định cho lao động nghỉ việc. Họ luôn tin khi doanh nghiệp và người lao động cùng đứng về một phía, sẽ vượt qua mọi khó khăn. Điều này đã phản ánh sức chịu đựng dẻo dai, bền bỉ và cả tinh thần bất khuất truyền thống được kế thừa. Ngoài ra, trong bối cảnh mức độ cạnh tranh giảm vì nhiều đối thủ đã dừng “cuộc chơi”, một số doanh nhân cho biết sẽ dốc hết sức lực, tích cực chuẩn bị, khai thác triệt để thị trường từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sẽ hành động trong thời gian sớm nhất. Điều này càng chứng minh bản lĩnh và tinh thần kinh doanh mạnh mẽ của các doanh nhân Việt Nam” – TS.Tô Hoài Nam chia sẻ.

Cũng theo TS.Tô Hoài Nam, để luôn được nhắc đến là lực lượng chủ lực của nền kinh tế, điều trước tiên là các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội sau dịch Covid-19 trong điều kiện bình thường mới; theo đó cần đổi mới, tổ chức lại theo hướng gọn, nhẹ và linh động hơn. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao năng lực, học tập, tìm kiếm những ý tưởng đổi mới mô hình kinh doanh, sản phẩm, phương thức phục vụ; giữ thị trường và phát triển thị trường. Đặc biệt, vẫn giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực, năng động, sáng tạo và quyết tâm phát triển.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong hội nhập quốc tế, khai thác hiệu quả cơ hội từ các FTA, nhất là FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA … góp phần thực hiện chuyển đổi môi trường kinh doanh, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Đây chính là cơ hội lớn để huy động vốn đầu tư, kết hợp lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn. Để xây dựng lực lượng doanh nhân cũng như thúc đẩy và phát huy vai trò của doanh nhân phát triển nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam, đòi hỏi Chính phủ phải làm mọi cách để tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp luôn mạnh mẽ trong mỗi doanh nhân Việt Nam.

Kim Phương