Phát triển bền vững đối mặt với thách thức từ quá trình đô thị hóa

Theo phác thảo trong nghiên cứu về Đô thị hóa Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB), quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đang có xu hướng giảm trong 5 năm trở lại đây. Mặt khác, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh suốt một thập niên qua đã gây ra những hệ quả, thách thức to lớn đối với phát triển bền vững.

Theo nhóm tác giả của WB, những hệ quả của quá trình đô thị hóa cùng với các thách thức mới nổi của việc thắt chặt nguồn lực tài khóa và thu hẹp lực lượng lao động đô thị đã đưa quá trình đô thị hóa của Việt Nam sang một bước ngoặt mới. Cụ thể, chính sách tài khóa cào bằng đã chuyển hướng nguồn lực từ khu vực tăng trưởng cao hơn sang khu vực kém phát triển với mô hình “giải ngân theo không gian” phần nhiều hướng tới sự “công bằng”.

Cũng đồng tình với quan điểm này, TS. Vũ Thành Tự Anh, thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, hiện tại các địa phương có thu ngân sách cao đang được điều chuyển ngân sách về Trung ương khiến cho các địa phương không có động lực để thu ngân sách do đó tốc độ tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, hai trụ cột của cả nước, không cao hơn mức trung bình của cả nước là bao.

Ông Tự Anh dẫn kết quả một báo cáo năm 2016 của A.T.Kearney về vai trò của các đô thị, trong đó bức tranh đô thị của Việt Nam rất khác so với toàn cầu. Theo đó, trong khi 123 đô thị lớn nhất thế giới chiếm 13% dân số và chiếm 32% GDP còn tại Việt Nam, 5 thành phố trực thuộc trung ương chiếm khoảng 21%  dân số nhưng chỉ chiếm 34% GDP của cả nước.

Tại Việt Nam, các đô thị lớn chưa thực sự là động lực tăng trưởng so với các nước trên thế giới. Tỷ lệ đóng góp vào GDP của 5 thành phố trực thuộc trung ương của VN gần như không có thay đổi đáng kể trong vòng 15 năm trở lại đây: Năm 2005, đóng góp khoảng 36 – 37% thì hiện nay là khoảng 40%.

“Trong một thời gian dài, khi phải đánh đổi giữa công bằng và hiệu quả, chúng ta đã chọn công bằng. Vì đô thị hoá và công nghiệp hoá đã gần đạt ngưỡng, nếu ta tiếp tục chính sách như thế này, thì sẽ không đạt được cả hiệu quả lẫn công bằng”, ông Tự Anh cho biết.

Số liệu thống kê sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, trong 10 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị. Dân số thành thị ở Việt Nam năm 2019 là 33.059 nghìn người, chiếm 34,4% tổng số dân. Hiện Việt Nam đang là nước có tốc độ đô thị hóa lớn nhất Đông Nam Á, hàng năm có trên 1 triệu dân trở thành dân cư đô thị. Dự báo đến năm 2025, dân số đô thị của Việt Nam sẽ chiếm khoảng 50% dân số cả nước.

Hầu hết các quy hoạch phát triển tại Việt Nam đều bị phá vỡ trong một thời gian ngắn thực hiện gây lãng phí tài nguyên đất và nguồn lực của đất nước. Trong khi đó hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội chưa phát triển đồng bộ sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn mà nhãn tiền ở nhiều đô thị là tình trạng ngập úng, tắc đường, ô nhiễm,…

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2016 – 2020, do khó khăn trong cân đối nguồn lực cho đầu tư phát triển nói chung và đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải nói riêng, các dự án, công trình giao thông khởi công mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước rất hạn chế so với nhu cầu (gần như không triển khai các dự án mới). Đáng chú ý, nguồn vốn ODA dành cho phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng giảm sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Điều này dẫn tới việc kết cấu hạ tầng phát triển không theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Theo các chuyên gia, để giải bài toán này buộc Việt Nam không thể tiếp tục con đường đô thị hóa đã và đang đi mà cần phải có sự thay đổi, chuyển đổi mô hình đô thị hóa quốc gia, có lộ trình phát triển cụ thể theo chiều sâu, có sự liên kết, gắn kết giữa các vùng đô thị.

Thu Hoài