Pháp yêu cầu các công ty Big Tech trả thuế kỹ thuật số

Pháp sẽ yêu cầu các công ty công nghệ lớn (Big Tech) trả thuế dịch vụ kỹ thuật số của mình, một động thái có khả năng gây ra sự trả đũa của Tổng thống Donald Trump và đẩy chính quyền sắp tới của Mỹ vào một cuộc chiến thương mại khác.

Mức thuế 3% đối với doanh thu từ các dịch vụ kỹ thuật số trong nước đã được áp dụng vào năm ngoái. Tuy nhiên, chính phủ Pháp đã đình chỉ việc thu thuế trong khi các cuộc đàm phán về việc cải tổ hệ thống thuế toàn cầu đang diễn ra tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Những cuộc đàm phán đó đã không tạo ra một bước đột phá.

Bộ Tài chính Pháp cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư: “Các công ty đã nhận được thông báo thuế cho năm nay”. Google, Facebook và Amazon là một trong những công ty công nghệ Mỹ sẽ phải trả thuế, áp dụng cho các công ty có doanh thu toàn cầu hơn 750 triệu € (894 triệu USD).

Động thái này tạo tiền đề cho một cuộc tranh cãi xuyên Đại Tây Dương ngay trước khi Trump rời nhiệm sở.

Chính quyền của Trump – vốn đã rút khỏi các cuộc đàm phán với OECD vào tháng 6 – đã cam kết sẽ trả đũa nếu Pháp tiến hành áp thuế và có thể áp thuế trả đũa lên 1,3 tỷ USD hàng hóa của Pháp, bao gồm cả túi xách và mỹ phẩm, ngay từ ngày 6 tháng 1.

Điều đó có thể đặt chính quyền sắp tới của Mỹ vào một tình thế khó khăn khi họ tìm cách giải quyết COVID-19 và tình trạng suy thoái kinh tế từ đại dịch. Tổng thống đắc cử Joe Biden đã cam kết xây dựng lại mối quan hệ với các đồng minh chủ chốt. Tuy nhiên, các đảng viên Đảng Dân chủ trước đây đã phản đối các loại thuế dịch vụ kỹ thuật số như vậy, cái mà họ cho là nhắm vào các công ty Mỹ một cách không công bằng.

Đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, ông hy vọng sẽ thuyết phục được Biden tái tham gia vào quá trình của OECD để có thể đạt được một thỏa thuận. Chính phủ Pháp cho biết thuế sẽ có hiệu lực trở lại vào tháng 12 nếu không có thỏa thuận.

Bộ trưởng Le Maire nói: “Tôi thực sự hy vọng chính quyền mới của Biden sẽ có nghĩa là một khởi đầu mới trong mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ – và một khả năng đánh dấu sự khởi đầu mới này là đạt được sự đồng thuận ở cấp OECD vào đầu năm 2021”.

Minh Anh