Phác hoạ chân dung nền kinh tế 4.0 tại Việt Nam
Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sôi động, nền kinh tế 4.0 của Việt Nam cũng bước vào giai đoạn phát triển sôi động hơn bao giờ hết với hàng loạt những động thái tích cực: Grab mở thêm dịch vụ giao đồ ăn GrabFood; Vingroup công bố định hướng trở thành tập đoàn công nghệ; thị trường công nghệ vừa đón nhận thêm nhiều “tân binh” gia nhập…Mặt dù còn quá sớm để tổng kết những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, tuy nhiên có thể khẳng định cuộc cách mạng thời đại này đã thực sự mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam cũng như các quốc gia đang phát triển, giúp rút ngắn quá trình công nghiệp hoá bằng cách đi tắt đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn.
Nhiều “ông lớn” tham chiến
Bắt đầu từ 4 năm trước, diện mạo nền kinh tế 4.0 tại Việt Nam đã dần định hình với việc Bộ Giao thông Vận tải cho phép Uber và Grab chính thức tham gia vào thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam thông qua Chương trình thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ. Từ một nền tảng hoạt động nửa công khai, Grab và Uber vươn lên mạnh mẽ, trở thành đối thủ số một của các hãng taxi truyền thống. Đến tháng 3/2018, Uber chính thức bán lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình ở Đông Nam Á cho Grab, hoàn tất thương vụ sáp nhập lớn nhất giới công nghệ khu vực. Sau thương vụ M&A thế kỷ này, Grab trở thành “kỳ lân công nghệ” lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Hiện nay tại thị trường Việt Nam, Grab là “ông trùm” của mảng gọi xe công nghệ và đang vào cuộc đua thị phần khốc liệt với các doanh nghiệp dịch vụ hàng đầu khác như: Giaohangnhanh ở mảng giao nhận hàng hoá; Foody ở mảng giao nhận thức ăn.
Sau khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam, các ứng dụng gọi xe đã ồ ạt ra mắt như Mai Linh Bike, VATO, Aber, FastGo…Đầu tháng 8, Go-Jek – nền tảng công nghệ đa dịch vụ lớn nhất tại Indonesia với tổng số vốn huy động hơn 2 tỉ USD và định giá 5 tỉ USD chính thức tham chiến tại thị trường Việt Nam dưới tên gọi Go-Việt. Bước đi tại Việt Nam là một phần trong kế hoạch mở rộng ra thị trường Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines của Go-Jek.
Mới đây nhất, tập đoàn tư nhân đa ngành lớn nhất Việt Nam Vingroup cũng đã công bố định hướng trở thành tập đoàn công nghệ. Ngoài ra không thể không kể đến việc Amazon đã đổ bộ vào khu vực Đông Nam Á và dự báo sẽ sớm tấn công vào thị trường Việt Nam bởi trong tháng 3 vừa qua, “Người khổng lồ” đã chính thức khởi động một chương trình hợp tác cùng Hiệp hội thương mại điện tử để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Mổ xẻ bí quyết thành công
Theo phân tích của các chuyên gia, vốn, công nghệ và trình độ vận hành là ba yếu tố không thể thiếu để các doanh nghiệp thành công trong thị trường ứng dụng công nghệ tại Việt Nam.
Nói về vốn, ngay khi ra mắt tại Tp.HCM đầu tháng 8, Go-Việt đã tung ra chương trình khuyến mại khủng đồng giá 5.000đ cho tất cả các chuyến đi dưới 8km, trong khi cam kết thu nhập cho tài xế tới 30.000đ một chuyến đi. Ngoài ra các tài xế còn được thưởng hậu hĩnh tới 220.000đ trong ngày nếu đạt được số cuốc xe và tỉ lệ nhận cuốc theo quy định. Qua đây cũng đã cho thấy được sự chịu chi của Go-Việt so với các ứng dụng trong nước trước đó.
Bên cạnh nguồn vốn cũng đòi các hãng gọi xe công nghệ phải có nền tảng khoa học công nghệ phát triển để đưa các khuyến mại tới đúng người dùng cũng như phát hiện nhanh chóng các hành vi gian lận của tài xế. Điển hình là thời gian qua Go-Việt phải đối mặt với tình trạng các tài xế phối hợp tạo ra các cuốc xe “ảo” để lấy phần hỗ trợ mỗi chuyến xe và tích điểm để lấy số tiền hỗ trợ ngày. Ngay lập tức Go-Việt nhanh chóng khắc phục “lỗ hổng” này bằng cách phát các cuốc xe cho tài xế ở xa đến vài km. Ngoài ra đội ngũ vận hành Go-Việt còn dựa vào hệ thống ở Indonesia để phát hiện và tự động khóa các tài xế bị nghi ngờ có hành vi gian lận. Với tiềm lực mạnh, nền tảng công nghệ vững vàng và sức hấp dẫn của các chương trình khuyến mãi khủng, ngay sau khi ra mắt, hãng mẹ Go-Jek từ Indonesia tự tin khẳng định Go-Việt đã chiếm lĩnh 15% thị phần tại thị trường Tp.HCM. Tuy nhiên thực hư của con số này vẫn còn là một nghi vấn.
Về phía Grab, sau khi Uber rút khỏi Đông Nam Á thì Go-Jek trở thành đối thủ hàng đầu của Grab tại khu vực này. Tại Việt Nam, dưới áp lực của Go-Việt, để giữ chân lượng khách hàng và tài xế, Grab cũng đã tung ra các chương trình khuyến mại và thưởng cạnh tranh hấp dẫn. Mới đây nhất, hãng gọi xe công nghệ này công bố chương trình thưởng nóng đến 300.000/ngày cho những tài xế tại Tp.HCM hoàn thành tối thiểu 18 chuyến xe mỗi ngày.
Ở phạm vị khu vực, Grab cũng đã thành công khi gọi vốn đầu tư được 2 tỷ USD. Phần lớn khoản vốn này sẽ được Grab dùng đầu tư vào thị trường Indonesia nhằm cạnh tranh với Go-Jek và vì đây là thị trường tiềm năng nhất khu vực Đông Nam Á với số dân gấp 2.5 lần Việt Nam hơn 250 triệu dân.
Cơ hội cho các startup Việt
Với tiềm năng phát triển dồi dào, thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ tại Việt Nam thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia cạnh tranh thị phần song hầu hết đều “ngã gục” trong cuộc đua về vốn, công nghệ cũng như trình độ vận hành. Trong bối cảnh Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ô tô đang được soạn thảo và lấy ý kiến, một số chuyên gia chia sẻ: thực chất việc siết chặt các điều kiện kinh doanh với xe hợp đồng điện tử sẽ chỉ làm tăng rào cản gia nhập thị trường của các công ty mới. Ngược lại các công ty lớn đang hoạt động chắc chắn sẽ tìm được cách thích nghi với các quy định mới, và sau đó thậm chí còn có nhiều lợi thế hơn trước các đối thủ do đã vượt qua được các quy định này.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia, để tạo điều kiện cho các startup Việt tham gia khai phá tiềm năng thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ trong nước, Chính phủ cần chú trọng kiến tạo môi trường thông thoáng, giảm rào cản gia nhập, tập trung ưu tiên quyền lợi của người tiêu dùng để các doanh nghiệp cạnh tranh và phát triển lành mạnh. Đây cũng chính là biện pháp hữu hiệu giúp khách hàng và người lao động trong nền kinh tế mới này có được lựa chọn tốt nhất cho mình.
Theo : Nguyễn Cường